Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Cụ kỹ sư” không bằng cấp, hai lần được tặng thưởng Huân chương

Cả một thời tuổi trẻ và những năm tháng công tác, phục vụ hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ông Đinh Công Viên được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Khi về quê, ở vào tuổi “xế chiều”, ông sáng chế 8 loại máy phục vụ nông nghiệp. Trong đó, có 1 chiếc máy nông cụ tích hợp 5 chức năng, nổi tiếng miền Bắc. Ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được mọi người gọi là “Nhà khoa học không bằng cấp"

 

Trẻ dấn thân

 

Ông Đinh Công Viên sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm 5, xã Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam. Trong khí thế sôi sục “tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng”, năm mười tám, mười chín tuổi, ông xung phong đi bộ đội mấy lần, nhưng do thấp bé, nhẹ cân, sức khỏe không đảm bảo nên ông không được tuyển. Để thỏa chí làm trai, năm 1949, ông tình nguyện tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch, tham gia nhiều công việc, như: Mở đường, dẫn đường, chỉ đường cho bộ đội hành quân, vận tải vũ khí, cơ sở vật chất, trang thiết bị quân sự chiến đấu... 

 

Ông đã cùng hàng vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Khi đất nước tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông công tác ở một số tỉnh đồng bằng rồi lên Lào Cai tham gia công tác xã hội, làm công tác dân vận, cùng nhân dân tăng gia sản xuất, làm hậu phương vững chắc, tất cả cho miền Nam ruột thịt.

 

Cả một thời trai trẻ và những năm tháng công tác, phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ông được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao, tặng thưởng Huân Chương kháng chiến Hạng nhất.

 

Tuổi xế chiều mê sáng chế

 

Về Khả Phong, hỏi bất cứ ai cũng đều biết đến ông Đinh Công Viên - một người không bằng cấp, không qua một lớp đào tạo nào, trình độ học vấn chỉ là “Bình dân học”, nhưng lại là nhà sáng chế 8 loại máy phục vụ nông nghiệp.

 

Lão nông Đinh Công Viên

 

Đến gặp ông, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông trong bộ dạng lam lũ, người gầy gò, thấp bé, đang một mình say mê hàn xì, làm sản phẩm cho một đơn đặt hàng. Năm nay đã bước sang tuổi 87 mà ông vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn.

 

“Xưởng cơ khí” của ông chỉ là khoảng sân trước nhà, chất đầy sắt, nhôm, máy móc và vài thứ dụng cụ đồ nghề rất thô sơ để ông sản xuất, chẳng có gì là hiện đại… Thấy tôi đứng quan sát, ông vừa làm, vừa bảo: “Đừng coi thường nhé, làm thủ công thôi, nhưng hiệu quả những chiếc máy phục vụ nông nghiệp không phải vừa đâu”.

 

Ý tưởng sáng chế máy bóc tách ngô của ông Viên bắt đầu từ năm 1998, khi ông thấy vợ con có mấy tạ ngô mà cứ tỉ mẩn tách hạt bằng tay cả tháng trời không xong, tốn thời gian, mất công. Vậy là sau ba tháng hăng say, tỉ mẩn chặt, đục sắt, gò, hàn xì hoàn toàn thủ công, chiếc máy bóc tách ngô cồng kềnh đầu tiên của ông ra đời. Nhưng niềm vui chưa đến thì đã vội vụt tắt, “phát minh” này của ông thất bại, vì máy không hoạt động được, cho ngô vào đầu này lại ra đầu kia nguyên xi. Ông mất đứt vài tạ thóc cho lần dấn thân làm “khoa học” này. 

 

Nhiều người bảo ông “Thừa hơi, dỗi việc”, đã nghèo, học ít lại còn sinh tật. Nhưng ông chẳng quan tâm, cứ để ngoài tai, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Lần thứ hai, ông thu nhỏ máy lại, làm cẩn thận hơn và cũng phải làm ba tháng mới xong, nhưng cũng lại thất bại. Khi cho ngô vào thì máy bị kẹt cứng.

 

Rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại, ông kiểm tra cẩn thận từng công đoạn, từng chi tiết của máy, tự vẽ bản thiết kế. Lại một lần nữa bán vài tạ thóc, ông quyết chí cho lần thứ ba sáng chế máy tách hạt ngô ra khỏi lõi. Sau gần hai tháng gia công, chiếc máy được chế tạo thành công, có công suất tách được 5 tạ ngô trong vòng một giờ, tương đương với 15 người bóc bằng tay cả ngày lẫn đêm, tiết kiệm được thời gian và công sức lao động.

 

Tiếng lành đồn xa, không chỉ nhiều người trong vùng, ở một số tỉnh lân cận mà ở tận các tỉnh miền núi xa xôi cũng tìm đến nhà ông học hỏi, mua máy về phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Thấy bà con có nhu cầu mua máy, năm 2001, ông bắt đầu sản xuất máy để bán. Trong quá trình chế tạo, ông nghĩ đến việc tích hợp nhiều chức năng trong cùng một máy để làm được nhiều việc hơn. Sau mấy năm trời mày mò, năm 2004, ông chế tạo thành công máy có ba chức năng và đến năm 2008 thì chiếc máy của ông Viên có  5 chức năng: tách hạt ngô, tuốt lạc, vò đậu tương, vò lúa và thái trộn thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm.

 

Không những sáng chế ra chiếc máy "5 trong 1", lão nông 87 tuổi còn tạo ra 7 loại máy phục vụ cho nông nghiệp, như: máy băm, thái thức ăn cho người và gia súc, máy nghiền bột, máy vừa gieo hạt đậu tương lại vừa có chức năng cày bừa, vun xới trên một máy và được bán với giá từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng mỗi chiếc.

 

Cuối cuộc đời vẫn nghèo

 

Ông có nhiều sáng chế máy móc hữu ích là vậy mà gia cảnh vẫn cứ nghèo. Trong căn nhà mái bằng cũ kỹ của ông được cái thoáng, vì trống rỗng, không có vật dụng gì giá trị. Cái gì cũng đơn sơ, đơn giản như chính con người ông vậy, chỉ có những giấy khen, bằng khen, những tấm Huân, Huy chương là nhiều, là giầu về giá trị tinh thần.

 

Ông Viên có tám người con, nhưng vì nhà nghèo nên sáu, bảy người con vào miền Nam lập nghiệp; người con ở lại quê thì quanh năm suốt tháng vật lộn mưu sinh, cũng chẳng ở cùng ông. Vợ của ông mất đã hơn mười năm nay. Ông bảo: “ở một mình có khi nấu một bữa cơm, ăn cả ngày, cũng có bữa chỉ ăn mì tôm, được cái tự do”.

 

Bây giờ đồng ruộng ít, mỗi nhà chỉ vài sào trồng hoa màu, chẳng bõ mua máy của ông thành của riêng, nên cứ mùa vụ lại thuê ông kéo chiếc máy “5 trong 1” đi tuốt lạc, đậu đỗ. Được cái ông nhiệt tình, ai kêu là làm, nhưng làm thế mà thu nhập cũng chỉ 30 – 50 nghìn một ngày. Ngoài ra, ai trong thôn thuê ông sửa chữa hay làm mới bất cứ thứ gì liên quan đến hàn xi là ông làm.

 

Thiết kế của máy rất đơn giản, nhưng hiệu quả vô cùng lớn

 

Từ ngày sáng chế ra máy tách hạt ngô đầu tiên đến nay, ông bán được hơn 60 chiếc máy các loại. Trong đó, chiếc máy đa năng “5 trong 1” bán được gần 30 chiếc. "Gọi là bán chứ mọi vật dụng tôi đều phải mua ngoài về lắp ghép, công cán chẳng được là bao. Mục đích chủ yêu là giúp bà con tăng gia sản xuất, giải phóng sức lao động” -  ông Viên chia sẻ.

 

Có lẽ vì nghĩ thế nên chẳng chiếc máy nào ông đăng ký bản quyền. Thành ra, cứ “phát minh”, chế tạo ra chiếc máy hữu ích nào được một thời gian là ông bị mất bản quyền. Mất bản quyền, đồng nghĩa với việc ông mất thị trường tiêu thụ, không có thu nhập nên luôn nghèo. Nhiều nơi, nhiều xưởng cơ khí với trang thiết bị hiện đại, họ chỉ bỏ ra ít tiền mua máy của ông về rồi nghiên cứu, sản xuất ra một loạt, đẹp hơn cả máy của ông.

 

Thương ông, tiếc tài năng của ông, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Hà Nam tạo điều kiện đưa ông mang máy đi tham gia các hội chợ, triển lãm, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và ông đều được giải cao, được tăng nhiều Bằng khen. Nhưng tất cả vẫn không giúp ông đủ tiền để mở một xưởng cơ khí nhỏ ngay tại thôn mình.

 

Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thưởng ông Huân chương Lao động hạng Ba, về thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, sáng chế, cải tiến máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn động viên lớn nhất giúp ông tiếp tục cống hiến sức mình, chế tạo nhiều máy móc phục vụ bà con nông dân. Ông Viên đang thử nghiệm, chế tạo máy cấy mạ trên nền đất mềm rất hiện đại, khác hẳn với sản phẩm trên thị trường, có công suất gấp hàng trăm lần so với cấy mạ thủ công.

 

Dù tuổi cao, nhưng ông Đinh Công Viên vẫn miệt mài với những ý tưởng cải tiến máy móc đa năng, giúp nông dân giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.  những “phát minh” của ông có lẽ chẳng ai bảo ông là con người bình thường. Điều đáng quý nhất đưa ông Viên trở thành nhà sáng chế "chân đất", chính là ông có khả năng tư duy, dám dấn thân để thực hiện điều mình tin là đúng.

 
Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo