Pháp luật

15 phút "diễn" là cơ hội thuyết phục nhà tuyển dụng

Là chủ doanh nghiệp, bạn có tuyển người mà ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên đã thấy khó gần? - ấy là câu hỏi của chuyên gia nhân sự Huỳnh Ngọc Ánh cho quan điểm "Xin việc ư? Phải biết diễn trò!"

Những điều bạn Tran Tuan Linh trong bài viết "Xin việc ư? Phải biết diễn trò!"  chung quy đều đúng cả. Rất đáng mừng là bạn đã nhận ra được nhiều điều thực tế đang xảy ra trong quá trình tìm việc, điều này giúp bạn có 30% cơ hội thành công khi tìm việc, 70% còn lại là thái độ của bạn đối với sự việc này như thế nào sẽ quyết định kết quả chung cuộc.
 
 Những điều bạn đề cập là một thực tế không thể phủ nhận, quan trọng là chúng ta nhìn nhận nó như thế nào để từ đó có thái độ tiêu cực hay tích cực, dẫn đến việc ứng xử như thế nào đối với sự việc này.

Người được chọn là người không phải chỉ biết làm mà còn biết thuyết phục người khác tin mình trong một thời gian ngắn (15 phút phỏng vấn).

Điều này hầu hết các ứng viên thường coi nhẹ, nghĩ rằng “hữu xạ tự nhiên hương” nên cứ nói chung chung, mù mờ, đại khái, thậm chí không diễn đạt được rõ ràng rành mạch, có dẫn chứng, số liệu, dữ kiện cụ thể về những công việc mình làm, thành tích đã đạt được, kinh nghiệm đã rút tỉa được… thì làm sao thuyết phục nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng luôn tin rằng, khi bạn đã làm việc gì đạt đến một mức độ thuần thục nhất định, ít nhất bạn có thể mô tả được rõ ràng bằng lời.

Người phỏng vấn thường có trình độ khác nhau và họ đều là con người nên khó tránh khỏi những nhìn nhận cảm tính, chủ quan. Nhưng chung quy họ là người mà nhà tuyển dụng tin tưởng giao phó việc phỏng vấn chọn lựa ứng viên thì họ chính là đối tượng chúng ta cần phải tạo thiện cảm.

Một ứng viên giỏi việc mà không tạo được thiện cảm nơi khách hàng, đối tác, đồng nghiệp… thì liệu có thể làm tốt công việc của mình không? Nếu bạn là chủ doanh nghiệp bạn có thích tuyển một người mà ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên bạn đã thấy khó gần?

Việc tạo thiện cảm cũng rất đơn giản, đôi khi chỉ bằng một ánh mắt, nụ cười, một lời khen chân thành, một thiện chí hợp tác, cái gật đầu đồng cảm...

Nếu nhà tuyển dụng xét thấy ứng viên chưa giỏi, chưa có “tầm”, chưa ở mức “nhân tài” thì ít nhất họ phải thấy ứng viên có “tâm”, có lòng nhiệt tình, thiện chí học hỏi, có “lửa” đam mê với công việc.

Bạn hãy mừng là nhà tuyển dụng đã cho bạn biết lý do vì sao bạn không được chọn, cho dù đó là một lý do xã giao. Hãy thầm cảm ơn những nhà tuyển dụng chân thành chia sẻ lý do thật, sự nhìn nhận của họ về bạn. Nhờ vậy bạn mới có cơ hội điều chỉnh bản thân hoặc ít nhất là thấy được một góc nhìn khác, nhu cầu thật sự của nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng tin rằng những nhân viên có tiếng Anh tốt sẽ có khả năng giao tiếp mở mang kiến thức, mối quan hệ quốc tế, tự học, tự nghiên cứu, cập nhật thông tin, kiến thức tiên tiến trên thế giới. Sức bậc của những ứng viên này sẽ cao hơn nhiều so với những ứng viên chỉ biết tiếng Việt.

Nhà trường chỉ có thể cung cấp cho bạn những kiến thức, lý thuyết cơ bản làm nền tảng cho quá trình tư duy logic, có hệ thống, nhưng đến khi vào công việc bạn cần phải áp dụng linh hoạt, thành thạo, với những kỹ năng nghiệp vụ cụ thể, đặc thù cho mỗi loại hình doanh nghiệp, ngành nghề… Việc nhạy bén trau dồi những kỹ năng nghiệp vụ là một sự đầu tư khôn ngoan.

Bạn cho rằng nhà tuyển dụng nào cũng muốn tuyển người tài giỏi, xinh đẹp, trung thành với mình, thích người có kinh nghiệm nhưng lại không thích ứng viên đến công ty mình làm lấy kinh nghiệm. Đây là một nhu cầu hết sức chính đáng của nhà tuyển dụng.

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, liệu bạn có muốn tuyển người không giỏi, cũng không đẹp, lại không trung thành, không có kinh nghiệm, không thích ứng được với môi trường văn hóa công ty?

Hãy lưu ý, nhà tuyển dụng luôn điều chỉnh dần điều kiện và môi trường làm việc của công ty mình để giữ chân và thu hút được nhân tài. Song song đó, người đi làm cũng ngày càng hoàn thiện bản thân để có mức thu nhập tốt hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn môi trường làm việc tốt cho mình.

Có câu: “ăn cơm chúa, múa cho chúa xem”. Vậy có gì sai khi người tìm việc phải “diễn” để được chọn. Từ “diễn” nói theo nghĩa tích cực là biết thể hiện mình, biết linh hoạt tùy theo nhu cầu “khách hàng”, miễn là họ “diễn” được thì phải làm được khi vào cuộc. Nếu chỉ biết “diễn” mà không biết làm thì họ cũng sớm ra đi, tốn thời gian công sức của bản thân, mất những cơ hội khác thật sự phù hợp với mình.

Vì vậy người tìm việc cũng cần phải biết “sống thật” để có được một “công việc thật” phù hợp với mình. Đồng thời, nhà tuyển dụng nào không đủ sáng suốt để phán đoán đúng người thì tự lãnh hậu quả từ việc lựa chọn của mình.

Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo