Xã hội

25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm

Cả nước hiện có 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Nhiều trẻ em nông thôn bị lừa gạt ra thành phố làm việc quá sức, gây tổn hại sức khỏe.

(Hanoimoi) Điều đáng buồn là công tác quản lý di cư, biến động lao động của các địa phương còn kém… Vì vậy, số trẻ em vùng cao nghèo đói bỏ học để di cư về các thành phố lớn làm thuê là khá lớn. Theo Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội, lượng trẻ em bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học để tham gia vào các hoạt động kinh tế ở Lào Cai và Gia Lai, Kon Tum ngày càng gia tăng.

Trẻ em ở Quảng Nam và Hà Tĩnh tham gia vào loại hình công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại. Trẻ em ở Hà Nội, Ninh Bình thường lao động sớm ở các làng nghề thủ công, các hộ kinh doanh. Trẻ em di cư làm việc trên đường phố như đánh giày, bán hàng rong, ăn xin cho một nhóm người… xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2020, vấn nạn bóc lột sức lao động trẻ em được đặc biệt quan tâm, trong đó, chú trọng là trẻ em khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Thủ tướng đã có Chỉ thị 1408/CT-TTg về tăng cường bảo vệ trẻ em, yêu cầu lãnh đạo địa phương nơi để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em phải chịu trách nhiệm. Và còn nhiều văn bản khác được đưa ra nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng trẻ em lao động sớm.

Tuy nhiên, giữa văn bản chỉ đạo và thực tế còn nhiều điều đáng bàn. Vì vậy, con số 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc độc hại mà Viện Khoa học lao động xã hội đưa ra vẫn không có dấu hiệu giảm.

Nếu trẻ không được quan tâm bảo vệ, sẽ dễ bị đẩy vào tình trạng thất học, thất nghiệp, làm việc sớm trong môi trường độc hại, nguy hiểm, dễ dẫn đến khuyết tật, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc bị lừa bán… Trong 5 năm trở lại đây, các cơ quan của Bộ Lao động,Thương binh & Xã hội liên tục đưa ra những thông điệp nhằm bảo vệ trẻ em được sống và học tập đúng nghĩa theo lứa tuổi. Tuy nhiên, sự thờ ơ của chính quyền địa phương, sự vô tâm, thiếu hiểu biết của nhiều ông bố, bà mẹ, sự nghèo đói… đã vô tình đẩy các em chưa đến tuổi lao động vào vòng xoáy của xã hội.

Điều này cho thấy, những thông điệp nhẹ nhàng, những lời kêu gọi, cảnh tỉnh không đủ sức thay đổi nhận thức trong xã hội. Điều cần hơn hết là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, của các cơ quan pháp luật để sớm đưa vấn nạn bóc lột lao động trẻ em vào trong luật, xử lý mạnh tay và nghiêm minh những kẻ dùng trẻ em làm lợi cho kinh tế cá nhân.

 Đề nghị của ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng từ lãnh đạo địa phương, công an, các đoàn thể là vô cùng cần thiết… Ngoài ra, cần có các chế tài mạnh hơn như có thể phạt tù, giải tán các cơ sở sản xuất, tước giấy phép kinh doanh…

 

 

Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo