Hỗ trợ doanh nghiệp

Ai có thể "giải nguy" cho Lọc dầu Nghi Sơn?

PVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn hướng giải quyết trước nguy cơ vỡ nợ của dự án Lọc dầu Nghi Sơn.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, PVN cho biết đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn góp Nhà nước tại dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn. PVN cho biết, các vướng mắc hiện nay liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn góp nhà nước tại dự án.

Phát sinh nhiều vướng mắc

Trước tiên, do là doanh nghiệp 100% nhà nước, PVN cần phải áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong khi đó, công ty liên doanh Lọc hoá dầu Nghi Sơn không cần phải lập dự án đầu tư điều chỉnh do có vốn góp nước ngoài dưới 30%, chỉ cần có báo cáo giải trình việc tăng tổng mức đầu tư vốn.

PVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn hướng giải quyết trước nguy cơ vỡ nợ của dự án Lọc dầu Nghi Sơn.

PVN đã yêu cầu liên doanh này thực hiện lập tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm tra, thẩm định… theo quy định song quá trình thẩm định nội bộ cũng phát sinh vướng mắc do "có sự khác biệt về rất nhiều điều khoản giữa luật cũ và hiện hành".

Khó khăn tiếp theo của PVN vướng phải là việc giải ngân phần vốn góp còn lại tại dự án lọc dầu hơn 9 tỷ USD này. Theo quy định cam kết ký với các ngân hàng cho vay và bảo lãnh Chính phủ cho dự án, PVN sẽ phải góp vốn đầu tư đến 9,2 tỷ USD, vốn góp từ cổ đông là 4,2 tỷ.

Tuy nhiên, hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa được thực hiện do vướng mắc pháp lý, khiến tập đoàn chưa đóng nốt phần vốn góp còn lại tại dự án. Vì vậy, PVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn hướng giải quyết.

Liên quan tới vướng mắc này, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tổng kết 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, đây là vấn đề lớn, phức tạp nên Bộ sẽ tập hợp đầy đủ góp ý từ các bộ, ngành và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ông An cũng yêu cầu Cục Điện và Năng lượng tái tạo hoàn thành sớm nhất các báo cáo này, trình lãnh đạo Bộ.

Chuyên gia nói gì?

 

Trước đó, một báo cáo từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, theo ước tính, trong 10 năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án Khu liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD.

Trên thực PVN có thu về lợi nhuận hàng năm từ việc chia cổ tức với tư cách cổ đông góp vốn tại dự án này, dự kiến vào khoảng 716 triệu USD trong vòng 10 năm với phương án giá dầu 45 USD/thùng.

Tuy nhiên, chính cơ chế ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khiến mỗi năm tính trung bình, PVN phải bù lỗ từ 80-110 triệu USD, tương đương 1.800-2.000 tỷ đồng. Đó là còn chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp cho dự án này để đầu tư các hạng mục công trình bên trong khu liên hợp lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng cho rằng, nhà máy hoá dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi thuế, hàng năm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu là nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng với nhà máy này nguồn thu của ngân sách là thất thu. Bên cạnh đó, dự án cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Với mức ưu đãi vừa nêu sẽ làm giảm khoản thu lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, điểm mấu chốt của Lọc dầu Nghi Sơn do một tổ hợp các nhà đầu tư PVN, Kuwait... góp vốn là đã được Chính phủ Việt Nam chấp nhận những khoản ưu đãi rất lớn và cam kết nếu lỗ thì PVN sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam bù lỗ. Những ưu đãi này đã được chấp nhận khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và nay thì chuẩn bị có hiệu lực, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực rồi".

 

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.

Như vậy, nếu năm 2018 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với Nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.

Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .

"Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến", ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, trong quá trình đàm phán có nhiều bộ ngành tham gia, trong đó có cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, để xảy ra trường hợp này này là "lỗi của đàm phán và là khiếm khuyết, bất cập của chúng ta".

 

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo