Pháp luật

Ai cứu các BV công ở Hòa Bình? - Kỳ 2: Không có hóa chất, máy xét nghiệm đồng loạt "đắp chiếu"

Tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và một số bệnh viện tuyến huyện, máy xét nghiệm đông máu phục vụ bệnh nhân mổ STA Compax – Stago, máy xét nghiệm đông máu ACL 200, máy xét nghiệm huyết học 5 TP Nihonkinde cũng trong tình trạng không hoạt động được vì lý do hết sức “hi hữu”...

Sau khi nhận được phản ánh của các y bác sỹ tại một số bệnh viện, PV báo Pháp luật và Xã hội đã đặt lịch làm việc với ông Trần Nguyên Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, trong nội dung đề nghị trả lời của PV bao gồm kiến nghị của nhiều bệnh viện tuyến dưới, thì trong văn bản trả lời số 1242/SYT-NVD do Phó Giám đốc Sở Nguyễn An Trường kí lại chỉ trả lời "những vấn đề liên quan đến việc sử dụng vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm của BV  Đa khoa tỉnh Hòa Bình”…Phải chăng, Sở Y tế đang “nhầm lẫn”,  nên đã “quên” trả lời cho những phản ánh của các bệnh viện khác…

Theo đó: "Giá kế hoạch gói mua sắm vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm tập trung năm 2016-2017 được xác định dựa trên giá trúng thầu năm 2015 và tham khảo giá trúng thầu của một số Sở Y tế các tỉnh, TP khác…và dựa trên số lượng sử dụng năm 2015-2016, dự kiến đơn giá và số lượng của các bệnh viện thuộc Sở quản lý….Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là “đạt yêu cầu về kỹ thuật sẽ được đánh giá về tài chính, nhà thầu có điểm kỹ thuật cao và đơn giá dự thầu thấp nhất được lựa chọn trúng thầu”.

Văn bản trả lời của Sở Y tế cũng khẳng định các mặt hàng trúng thầu có giá phù hợp mặt bằng chung toàn quốc…Hiện nay, các nhà thầu trúng thầu vẫn đang cung cấp theo đúng tiến độ cho các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và Sở chưa nhận được phản hồi của các đơn vị về nhà thầu không đủ năng lực trong quá trình cung ứng hàng hóa.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bệnh viện tại Hòa Bình, thì giá các mặt hàng dược phẩm, hóa chất, vật tư y tế do Sở Y tế đấu thầu so với các bệnh viện tự đấu thầu có khoảng 40% là giá tương đương, 20% là chênh lệch từ 15-20%, 40% còn lại là chênh lệch đến 50% . Theo sự đánh giá của các y bác sỹ, chỉ so sánh 39 mặt hàng đã sử dụng do bệnh viện tự đấu thầu và Sở Y tế đấu thầu đã chênh nhau hơn 10 tỷ đồng.

Cụ thể HbAlc giá các bệnh viện đấu thầu là 352.149 đồng thì giá của Sở Y tế là 2.327.000 đồng; HbAlc Control các bệnh viện đấu thầu giá 199.500 đồng thì giá của Sở Y tế là 2.063.000 đồng; Một ổ khớp háng bệnh viện đấu thầu giá 52 triệu đồng, Sở Y tế đấu thầu giá 75 triệu đồng; que thử đường huyết bệnh viện đấu thầu có giá 7.500 đồng, Sở có giá 17.000 đồng…

Nhiều nhà thầu khi trúng thầu không cung cấp được hàng hóa, một số hàng hóa kém chất lượng và đã có nhiều y bác sỹ tại các khoa, phòng của các bệnh viện phản ánh.

Tuy nhiên, trong khi trả lời PV, lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình chỉ nhấn mạnh vào việc trả lời phản ánh của BVĐK tỉnh là “xác định những mặt hàng này BV Đa khoa tỉnh chưa dự trù mua hàng sử dụng theo kết quả trúng thầu năm 2016-2017”, mà “quên” mất rằng các bệnh viện khác cũng đang có phản ánh tương tự…

Những máy móc đắt tiền bị đắp chiếu tại một số bệnh viện tỉnh Hòa Bình.

Cũng theo phản ánh từ các bệnh viện, khi Sở Y tế tiến hành đấu thầu tập trung, các nhà thầu vào rất nhiều, có nhà thầu cung cấp nhiều mặt hàng, có nhà thầu có số lượng rất ít, khi mà phân về bệnh viện chưa kịp sử dụng thì đã hết (?!), ví dụ như Sở phân cho bệnh viện mua khoảng 20 triệu mặt hàng A, nhưng thực tế nó rất ít so với nhu cầu sử dụng. Sau đó nếu trường hợp điều chuyển trong phạm vi của Sở có thể điều chuyển được thì lại phải gửi văn bản về Sở và điều chuyển về, ký hợp đồng bổ sung. Đối với trường hợp số lượng đã hết rồi thì phải sử dụng sang mục khác.

Đại diện Sở Y tế Hòa Bình cho rằng từ 01/01/2017 đến nay việc cung ứng vật tư hóa chất theo kết quả trúng thầu chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn phản ánh hóa chất không cài đặt đồng bộ với cấu hình của máy.

Văn bản trả lời của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình viện dẫn tại cuộc họp ngày 17/7/2017 giữa Sở Y tế, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, BHXH tỉnh và các nhà thầu trúng thầu cung ứng vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm năm 2016 -2017, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Các loại hóa chất xét nghiệm theo kết quả trúng thầu, hiện tại không có loại hóa chất nào không tương thích với máy”.

Nếu nói như vậy, có nghĩa là Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã “quên” mất những máy móc, thiết bị y tế có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng đang bị bỏ quên lại các bệnh viện do “không có hóa chất tương thích”, và không phải chỉ từ 01/01/2017 mà từ thời gian dài trước đó.

Tại bệnh viện Đa khoa huyện Tân Lạc, có những máy xét nghiệm trị có giá trị và rất cần thiết trong khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân nhưng lại trong tình trạng “đắp chiếu”, như máy xét nghiệm điện giải Coagulyzer 100, máy xét nghiệm đông máu i-smart 30 PRO (cấp sau khi đấu thầu tập trung nên chưa có hóa chất chạy)…

 

Theo các y- bác sỹ ở đây, sở dĩ máy móc hiện đại đắt tiền như vậy nhưng vẫn phải “đắp chiếu” là mặc dù đã có đề xuất với Sở Y tế cần đấu thầu loại hóa chất dùng cho máy này nhưng sau đó, Sở đã thông báo hóa chất dùng để chạy máy không trúng thầu. Vì không có tiền để mua hóa chất chạy máy, nên các y bác sỹ tại đây đành phải làm các xét nghiệm cho bệnh nhân bằng phương pháp thủ công, rất mất thời gian và độ chính xác không cao.

Bác sỹ Trần Quang Khánh – Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình.

Tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình và một số bệnh viện tuyến huyện máy xét nghiệm đông máu phục vụ bệnh nhân mổ STA Compax – Stago, máy xét nghiệm đông máu ACL 200, máy xét nghiệm huyết học 5 TP Nihonkinde cũng trong tình trạng không hoạt động được vì lý do hết sức “hi hữu”: Sở Y tế khi tiến hành đấu thầu tập trung, loại hóa chất các bệnh viện đề nghị để sử dụng cho máy “không trúng thầu” (?!) hoặc máy được cấp phát sau thời gian đấu thầu tập trung nên chưa được cấp hóa chất đi kèm để sử dụng. Cá biệt, có những thiết bị máy móc bị hỏng, nhưng bệnh viện không có tiền để sửa chữa…

Như vậy, cấp quản lý cao nhất của một ngành thuộc tỉnh, mà không nắm bắt được hết tình trạng hoạt động của các đơn vị cấp dưới, thì phải xem xét lại năng lực của những người làm công tác quản lý.

Trước những câu trả lời rất khó thuyết phục từ lãnh đạo Sở Y tế, rất nhiều bác sỹ và lãnh đạo các bệnh viện tuyến dưới đã có phản ứng.

Phó Giám đốc một bệnh viện đã nói: "Nói chúng tôi không phản ánh, không kiến nghị là không đúng. Trong tất cả các cuộc họp giao ban với Sở Y tế, chúng tôi đã nhiều lần phát biểu trực tiếp với đồng chí Khánh – Giám đốc về những khó khăn, bất cập tại các bệnh viện tuyến dưới của chúng tôi, về việc giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế nhập vào quá cao và các bệnh viện có nguy cơ lỗ, chảy máu chất xám. Tất cả anh Khánh đều biết hết, nhưng vẫn bỏ ngoài tai, lãnh đạo thừa biết cấp dưới chúng tôi khổ nhục như thế nào, nhưng không quan tâm. Bây giờ, thử yêu cầu Giám đốc Sở phải kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện để xem mọi hoạt động tuyến dưới nó như thế nào, chắc chắn Giám đốc Sở không dám làm đâu…".

 

Theo báo PL&XH
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo