Phân tích

Áp sản xuất và lắp ráp ôtô vào kinh doanh có điều kiện là cần thiết

(DNVN) - Đây là nhận định của Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn luật sư TP. Hà Nội liên quan đến việc Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tại Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 vào sáng 22/11 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 với việc 243 ngành nghề kinh doanh bị áp điều kiện, trong đó có sản xuất, lắp ráp ôtô.

Với việc được Quốc hội thông qua, ngành, nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô đã chính thức được bổ sung vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017. Việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề này sẽ được Chính phủ quy định.

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện gây nên khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Đầu tư mới. Nhiều thông tin cho rằng, việc nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất ôtô vào danh mục này không có nghĩa là cản trở doanh nghiệp và không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp mà là ra điều kiện, ai đáp ứng được thì kinh doanh. Nguyên nhân bởi vì ôtô là sản phẩm công nghệ phức tạp, đòi hỏi sự an toàn cao và liên quan đến tính mạng của nhiều người. Và việc áp điều kiện kinh doanh là để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng trong việc bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm nếu xảy ra sự cố.

Liên quan đến việc này, PV Doanh Nghiệp Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Hồng Hiển -  Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

PV: Thưa ông! Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 với việc 243 ngành nghề kinh doanh bị áp điều kiện. Dự án Luật này được hiểu như thế nào?

Luật sư Lê Hồng Hiển: Dưới góc độ xây dựng và ban hành Luật, tôi cho rằng việc Quốc Hội thông qua các dự án luật mới hay các luật sửa đổi, bổ sung là hoạt động bình thường và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đối với Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua cũng vậy, theo đó Luật có bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Đồng thời, có bổ sung điều kiện đối với một số lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước thấy cần phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn để các mục tiêu chính sách của Nhà nước được đảm bảo đạt được trong từng thời kỳ.

PV: Đáng chú ý, trong 243 ngành kinh doanh bị áp điều kiện có sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Theo ông, việc bổ sung này có phù hợp không?

 

Luật sư Lê Hồng Hiển: Tôi cho rằng, ôtô là sản phẩm có nguy cơ gây ra hậu quả thiệt hại lớn về tính mạng, sức khoẻ của người điều khiển và nhiều người tham gia giao thông nếu không được đảm bảo an toàn khi sản xuất và lắp ráp. Hiện nay Bộ Luật dân sự quy định, xác định ô tô là “nguồn nguy hiểm cao độ”. 

Vì vậy, Luật quy định điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ôtô là cần thiết và chính xác.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nhập khẩu ôtô, Luật Đầu tư sửa đổi bổ sung đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì tôi cho rằng chưa phù hợp vì đây là hoạt động kinh doanh thương mại thuần tuý, không giống với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp. Nhất là trong bối cảnh chúng ra đang có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và chủ trương hạn chế, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không thật sự cần thiết, loại bỏ các giấy phép con trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

PV: Việc áp điều kiện kinh doanh đối với ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô được hiểu như thế nào, thưa ông?

Luật sư Lê Hồng Hiển: Việc quy định điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô được hiểu là để các doanh nghiệp được phép kinh doanh, hoạt động trong các lĩnh vực này thì doanh nghiệp ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp, còn phải đáp ứng được các điều kiện riêng, cụ thể khác như điều kiện về vốn pháp định, điều kiện về người quản lý điều hành doanh nghiệp, điều kiện về địa điểm kinh doanh…

 

PV: Theo ông, việc ngành ôtô vào kinh doanh có điều kiện sẽ có tác động như thế nào đối với thị trường ôtô Việt Nam, đối tượng nào sẽ chịu tác động chính?

Luật sư Lê Hồng Hiển: Mỗi một chính sách khi ban hành đều có tác động nhất định đến một số đối tượng nhất định. Đối với chính sách quy định lĩnh vực nhập khẩu xe ôtô là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng, tác động đến 2 đối tượng chính là các doanh nghiệp sẽ và đang hoạt động trong lĩnh vực này và người tiêu dùng xe hơi.

Đối với các doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh, họ sẽ được hưởng lợi từ chính sách này do ít chịu áp lực từ việc cạnh tranh từ thị trường do lợi thế “độc quyền” tạo ra. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có ít sự lựa chọn hơn về sản phẩm và đặc biệt là về giá cả do chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ “điều kiện” được hoạt động trong lĩnh vực này.

Xin cám ơn ông!

Nên đọc


Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo