Quốc tế

Âu châu vẫn còn bất đồng

Hy Lạp, trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ Khu vực đồng euro vừa đạt được gói cứu trợ lần hai trị giá 130 tỷ euro. Tuy nhiên, bước tiến này còn xa mới tiếp cận ranh giới an toàn cho cả khối.

 

    Nhiều vấn đề vẫn hiện hữu, trong đó có sự bất đồng giữa một bên là Đức và bên kia là phần còn lại của châu Âu. Tuy một bên chỉ gồm Đức, song đây lại là trụ cột kinh tế của khu vực, đồng thời là nhà tài trợ quan trọng nhất cho các quỹ bình ổn của châu lục.

    Chính phủ Đức đang phản đối hoặc muốn trì hoãn việc tăng quy mô cho “bức tường lửa tài chính” ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng nợ từ Hy Lạp. Vì việc này, Đức đang chịu sức ép ngày càng tăng từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Chính phủ Mỹ.

    Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhấn mạnh rằng, Berlin thấy không cần phải tăng kích cỡ cho Quỹ Bình ổn (tài chính) châu Âu (ESM) - một quỹ bình ổn thường xuyên hiện có quy mô 500 tỷ euro.

    “Quan điểm của Đức không thay đổi, nghĩa là việc đó (tăng quy mô ESM) là không cần thiết”, Seibert nói.

    Bà Merkel và bộ trưởng tài chính của bà, ông Wolfgang Schauble, đang đơn lập trước các sức ép mạnh mẽ từ bà Christine Lagarde, Giám đốc IMF và 16 thành viên còn lại của Liên minh tiền tệ. Ông Schauble có thể sẽ bị thúc ép nhiều hơn nữa về vấn đề trên, tại cuộc họp giữa 20 bộ trưởng tài chính các nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ được tổ chức tại thành phố Mexico trong tuần này.

    Không chỉ IMF + 16, mà có vẻ như, hầu hết các nhà đầu tư tài chính cũng đồng ý rằng, việc tăng cường tiềm lực cho quỹ cứu trợ của khu vực là cần thiết để ngăn không cho khủng hoảng Hy Lạp lan sang các nền kinh tế khỏe hơn, trừ Italia và Tây Ban Nha.

    Bất đồng giữa Đức với các đối tác nếu không được xoá bỏ có thể đánh mạnh vào niềm tin vốn đang lung lay vào các nhà lãnh đạo châu Âu. Công chúng đầu tư vẫn còn lấn cấn rằng, không rõ các vị lãnh đạo đó đã thấu hiểu mức độ của cuộc khủng hoảng hay chưa, để mà sẵn sàng hợp sức ngăn chặn nó.

    Về phía bà Merkel, không tự dưng có quan điểm trái ngược với phần còn lại như vậy, hiện bà đang lo ngại về những phản ứng mạnh mẽ ngay bên trong chính phủ liên minh trung-hữu của bà, cũng như từ công chúng, nếu bà phải ủng hộ cho bất cứ mức tăng nào trong sự bảo đảm tài chính của Đức đối với quỹ cứu trợ của Khu vực đồng euro. Bà Merkel sẽ đối diện với những lá phiếu khắc nghiệt từ các nghị sĩ quốc hội trong tuần tới, tại Bundestag, liên quan đến chương trình cứu trợ Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro.

    Hà Lan, vốn muốn Đức dứt khoát cam kết đóng góp nguồn lực cho chương trình giải cứu Hy Lạp, lại vừa bộc lộ rằng, nước này có thể thay đổi lập trường. Jan Kees De Jager, Bộ trưởng Tài chính nước này cho rằng, có thể gia cường “bức tường lửa” bằng cách phối hợp nguồn lực giữa ESM và Quỹ bình ổn tài chính tạm thời EFSF.

    Quỹ EFSF hiện còn 250 tỷ euro sau khi đã hỗ trợ Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha. Đức cho đến nay vẫn khẳng định, số tiền này không thể dùng để bổ sung cho Quỹ ESM.

    Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã hy vọng, thoả thuận về việc mở rộng hệ thống cứu trợ tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày 1-2/3 tới sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho các thị trường, sau khi quỹ cứu trợ 130 tỷ euro dành cho Hy Lạp được thông qua đầu tuần này.

    Một vài quan chức cho biết, họ tin là việc thoả thuận với 3 thành tố – gói cứu trợ Hy Lạp, sự tăng cường tường lửa và việc nâng nguồn lực của IMF – nếu đạt được trong cuộc họp của IMF vào tháng 4 tới, sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ cho các thị trường. “Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở Đức”, các quan chức này nói thêm.


Theo Đầu tư chứng khoán
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo