Thị trường

Bắc Hà: 10 tỷ đồng doanh thu từ các dịch vụ homestay

(DNVN) - Với những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch như phong cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, những năm qua, huyện Bắc Hà đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, vận động, khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch homestay, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế xã hội.

Một hộ dân làm du lịch homestay tại Bắc Hà.

 “Sáng làm nông dân, tối là nghệ sĩ”

Trong căn nhà sàn khang trang, anh Chu Đình Sa, một người dân thôn Na Hối Tày, xã Na Hối đang chỉnh trang lại nội thất để chuẩn bị đón tiếp một đoàn khách nước ngoài đã đặt chỗ từ trước. Anh Sa cho biết, từ năm 2012, anh bắt đầu bước vào kinh doanh du lịch homestay. Anh sửa lại nhà, mua thêm đồ dùng, thiết bị sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện nay, gia đình anh có 3 nhà sàn, đảm bảo cho 30 khách nghỉ với mức giá từ 80.000 - 300.000 đồng/ngày, tùy theo yêu cầu về ẩm thực và chế độ phục vụ. Mỗi tháng, gia đình anh thu nhập gần 10 triệu đồng từ dịch vụ này. Đối với anh, ngôi nhà giờ đây không chỉ để ở mà chính là nơi anh cùng người thân có thể làm giàu. Từ thành công của anh nhiều gia đình khác ở đây cũng đã mạnh dạn chỉnh trang lại nhà cửa để làm du lịch.

Đưa chúng tôi đi thăm quan một số ngôi nhà làm du lịch cộng đồng kiếm được “bạc triệu” hàng tháng, bí thư đảng ủy xã Nguyễn Văn Vinh tự hào chia sẻ:  Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, cùng với văn hóa độc đáo của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 16 thôn bản, cạnh đó những năm qua hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, nên du khách đã tìm đến Na Hối ngày càng nhiều. Do đó nhiều hộ gia đình đã vay vốn chuyển sang làm Homstay. Sự phát triển của du lịch đã giúp người dân được giao lưu, học hỏi kiến thức xã hội và thêm tự tin trong công việc .

Một trong những điểm nhấn tạo nên sức hút của Bắc Hà chính là những trải nghiệm khi tham gia các dịch vụ du lịch homestay. Cùng với việc khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách sẽ được thỏa sức tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của 14 dân tộc đang sinh sống trên rẻo cao Bắc Hà. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa và các lễ hội truyền thống độc đáo riêng, gắn với phong tục, tín ngưỡng của mình. Trong đó phải kể đến những lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách như: Lễ hội xuống đồng, Lễ hội Say Sán, Nghi lễ nhảy lửa, cấp sắc… cùng các hoạt động mang đậm giá trị nhân văn của đồng bào các dân tộc như giải đua ngựa, múa khèn, múa sinh tiền… Việc duy trì tổ chức đều đặn những lễ hội và hoạt động trên cũng chính là cách mà Bắc Hà bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là những tiềm năng du lịch văn hóa rất lớn của vùng đất Bắc Hà, được địa phương coi trọng, giữ gìn và phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Tạ Công Huy cho biết, nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có một vài gia đình mở dịch vụ homestay tại các xã như Bảo Nhai, Tả Van Chư, Tà Chải, Bản Phố thì đến năm 2017, toàn huyện đã có tới 28 gia đình mở dịch vụ lưu trú home stay; trong đó có nhiều địa phương lần đầu tiên xuất hiện các dịch vụ này như xã Nậm Khánh, Bản Liền, Thải Giàng Phố, Thị Trấn…dịch vụ homestay đã thu hút khoảng 12.000 lượt khách lưu trú, chiếm ¼ lượng khách lưu trú trong toàn huyện, tạo việc làm cho trên 200 lao động và doanh thu từ các dịch vụ homestay đạt khoảng 10 tỷ đồng.

 

 Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Đưa du lịch trở thành mũi nhọn đang là hướng đi tất yếu của nhiều địa phương trong cả nước. Đối với huyện Bắc Hà, một huyện đặc biệt khó khăn của cả nước thì phát triển du lịch cộng đồng càng có ý nghĩa hơn bởi người trực tiếp làm và được hưởng lợi là người dân. Mặc dù mô hình du lịch home stay trên địa bàn đã có bước phát triển, bước đầu đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này vẫn còn những hạn chế, bất cập như: việc phát triển du lịch còn mang tính tự phát, chưa có chính sách cụ thể về ưu đãi thu hút đầu tư cho du lịch; hoạt động chưa đi vào nền nếp; nhân lực có trình độ trong lĩnh vực du lịch còn thiếu, vấn đề an toàn cho du khách còn nhiều bất cập. Về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị của các hộ còn sơ sài, mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu phục vụ du khách. Chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Các tuyến điểm du lịch chưa có sức hút… Đặc biệt, nhiều hộ gia đình muốn đầu tư, mở rộng và đa dạng hơn các loại hình du lịch nhưng do gặp trở ngại về vốn nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo tìm hiểu, để homestay là một sản phẩm du lịch đặc thù, không đơn giản chỉ là điểm lưu trú, mà du khách cần có sự trải nghiệm văn hóa tại chỗ, được khám phá thiên nhiên và phong tục tập quán của người dân bản địa. Chính vì vậy, Chủ nhà lưu trú của du khách đồng thời phải là một “chuyên gia” du lịch, một “sứ giả” văn hóa, có ý thức về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho du khác. Người làm homestay cần được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về dịch vụ du lịch, tổ chức bữa ăn, ứng xử, và kể cả ngoại ngữ. Nếu để người dân làm theo kiểu “tự phát” thì “lợi bất cập hại”, bởi tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ những giá trị văn hóa và sinh hoạt truyền thống, làm ô nhiễm môi trường… thực tế  đã có địa phương phải trả giá cho sự phát triển nóng vội về du lịch. Như vậy homestay nhất thiết phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong việc kinh doanh, quảng cáo tiếp thị, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực.

         Theo lãnh đạo huyện, Bắc Hà đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho người dân. Đồng thời, qua hoạt động du lịch, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Tuy nhiên để đạt mục tiêu trên, Bắc Hà cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập; đầu tư xây dựng các điểm, tuor tuyến du lịch, cải tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Cạnh đó cũng cần củng cố, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn phát triển các danh thắng trên địa bàn, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với cùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt, Sa Pa của tỉnh Lào Cai”.

Bài và ảnh: Đào Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo