Môi trường

Bài 2: Tự in hoá đơn để “cắt khúc” sông Hồng bán khoán tài nguyên cát

Nhóm PV chúng tôi có mặt tại sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Hà Nam, cách ngã ba giao cắt sông Trà Lý chừng 10 km ngược về thượng nguồn để “mục kích” tình trạng cắt khúc” sông Hồng bán khoán tài nguyên cát. Các đối tượng còn in cả hoá đơn một cách chuyên nghiệp để lập “chợ đen” bán tài nguyên quốc gia.

hạy dọc sông Hồng đoạn qua khu vực ngã ba sông này, một cảnh tượng diễn ra thường xuyên là hàng chục con tàu hút cỡ lớn với đầy đủ vòi ống, máy móc… đua nhau "dàn trận" trên khúc sông như sẵn sàng bước vào một cuộc chiến sinh tử.

Suốt chiều dài nhiều cây số của khúc sông rộng lớn, chúng rầm rập thò vòi ống để làm đầy khoang chứa bằng những mẻ cát lớn. Tiếng máy nổ, tiếng gọi nhau í ới, tiếng hò hét vang lên đinh tai nhức óc. Mùi dầu máy hăng hắc loang trên sông theo chiều gió đưa vào càng khiến không gian thêm bội phần bí bách.

Như thường lệ, bất cứ khi nào xuất hiện một tàu hút cát lạ trên khúc sông Hồng này, một chiếc ca nô màu trắng cũng rẽ sóng tiến lại thu “phí tài nguyên”. Mức phí quy định thường là 700 nghìn đồng/lần hút và nếu tàu nào hút lần đầu sẽ được “khuyến mại” còn 300 nghìn đồng.

Điều đó có nghĩa rằng chỉ cần nộp đủ tiền, thì chiếc tàu nào cũng cứ việc lấy đầy tàu và chở đi đâu thì tùy, và dĩ nhiên việc mua bán này được “bảo kê”. Và nguồn tài nguyên cát trên sông Hồng bị “cắt khúc” bán khoán trắng trợn.Tuy nhiên, nhóm đối tượng còn “chuyên nghiệp” ở chỗ lấy danh nghĩa công ty in cả hóa đơn mua bán mỗi lần giao dịch khiến không ít chủ tàu lầm tưởng việc mua bán là hợp pháp.

Theo giải thích của một số chủ tàu cát trên khúc sông, “mua tài nguyên” hay “đóng phí tài nguyên” là việc đi mua quyền hút cát trên khúc sông (mỏ cát) từ đơn vị được cấp phép. Cụ thể, chủ tàu sẽ đóng một khoản phí (từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy tải trọng tàu) để được hút cát. Bên cạnh đó, chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc hợp pháp của tài nguyên vừa được mang đi. Thế nhưng trên thực tế, tình trạng bán khoán tài nguyên quốc gia trên khu vực sông Hồng này đang diễn ra hỗn loạn.

Trong phóng sự điều tra của Dân trí, nhóm đối tượng thu “phế” trên Sông Hồng này khẳng định khúc sông này họ đang quản lý.
 “Chúng tôi ở công ty Phúc Lợi Hà Nội, công ty Phú Hiệp Phát là công ty con thực hiện thi công dự án nạo vét qua đoạn sông này”, người tên Cường trong nhóm đối tượng nói.

Nhóm người  đi thu “phế” hút cát còn khoe khoang về các mối quan hệ, cung cấp thêm số điện thoại của những người liên quan, đồng thời dặn dò rằng có sự cố xảy ra thì cứ gọi và sẽ được giải quyết êm thấm. “Các anh cứ nhớ cái con ca nô trắng này nhé. Chúng tôi ở bên nạo vét của đường thủy, còn cái con ca nô đỏ kia chỉ là bảo kê cát tặc vớ vẩn thôi, nên bây giờ chúng tôi ra rồi không bảo kê được các anh đâu. Tôi nói nhanh vì các anh mới đến…”, nhóm đối tượng khẳng định.

Ông Trần Văn Mạnh, Trưởng xóm 3 xã Chân Lý xác nhận, một số tàu khai thác cát tại địa phận xóm 3 xã Chân lý diễn ra đã lâu. Các tàu cát này khai thác tự do không xin phép một ai nên người dân rất bức xúc. Việc hút cát gây ảnh hưởng không nhỏ, gây sạt lở bờ sông.

Mặc dù đã nhiều lần ý kiến với UBND xã và các cấp. Có lần tàu khai thác cát lấn vào sâu trong đất liền. Người dân đã ra truy đuổi. Thậm chí UBND xã đã cử lực lượng ra xử lý nhưng thuyền bè đã chống trả. Khi xử phạt xong họ họ lại vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ. 

Tài nguyên bị ăn cắp công khai.
Tài nguyên bị ăn cắp công khai.

Các tàu cát hoạt động rất tự do, có khi lấn sang bên Hà Nam. Bị người dân xua đuổi thì họ dạt về Hưng Yên, còn bên Hưng Yên xua thì lại chạy về Hà Nam. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kè tại địa phương.. Toàn bộ thuyền tập kết ở phía dưới nhưng cứ đến tối là lại kéo lên trên này buông neo hút cát. Họ khai thác cả đêm với những tàu cát hàng nghìn khối khiến cho dân tình không ngủ được. 

Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Chân Lý cũng xác nhận, việc làm của doanh nghiệp khai thác cát khiến chính quyền xã và nhân dân không đồng tình. Xã cũng đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên giải quyết việc này nhưng đến nay chưa có kết quả. Trước thông tin về việc chính quyền và người dân xã Chân Lý bức xúc và cho rằng doanh nghiệp Phúc Lợi hút cát trái phép, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Theo vị lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp này đã được tỉnh cấp phép hoạt động nạo vét luồng tuyến. Tuy nhiên, có hay không việc doanh nghiệp lợi dụng để hút cát không đúng giấy phép như thông tin phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh sẽ xác minh lại.

Cho biết quan điểm về sự việc, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc doanh nghiệp in hoá đơn bắt buộc phải đăng ký qua cơ quan thuế. Trong đó, trên hoá đơn phải ghi rõ số tiền giao dịch để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Nếu hoá đơn của doanh nghiệp này là hoá đơn khống, sai quy định, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải lập tức vào cuộc điều tra làm rõ hành vi trốn thuế và kinh doanh trái phép. Bản thân tôi nghĩ đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng bởi nó liên quan đến tài nguyên quốc gia nên cần phải làm sáng tỏ”.

Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo