Hỗ trợ doanh nghiệp

Bài học thu hút đầu tư của các công ty công nghệ Israel

Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang giành các khoản đầu tư khổng lồ vào các công ty công nghệ của Israel với các thương vụ thâu tóm trị giá hàng tỷ USD.

Tel Aviv của Israel được coi là thung lũng Silicon thứ hai trên thế giới. Nơi đây có rất nhiều trụ sở nghiên cứu và phát triển của Microsoft, Google, và Cisco. Ảnh: MoneyCNN.

Những ông trùm công nghệ như Google, Apple, Intel, IBM và Cisco đều tham gia vào một loạt các vụ thâu tóm nổi tiếng trong vòng hai năm qua.

Các số liệu của hãng Dealogic cho thấy sự tăng nhanh chóng các khoản đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tại Israel. Các thương vụ chuyển nhượng các công ty công nghệ của Israel đăng kí thành lập kể từ năm 2012 có trị giá gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu được đưa ra chỉ bao gồm các thỏa thuận được công khai, trong khi phần lớn các thỏa thuận lớn đều được giữ bí mật. Do đó, tổng giá trị giao dịch chắc chắn còn lớn hơn nhiều.

Zack Weisfeld, giám đốc điều hành của Microsoft ở Israel, ước tính các vụ thâu tóm các công ty công nghệ ở Israel từ đầu năm 2012 có giá trị lên tới khoảng 13 tỷ USD. Ông cho biết thêm: “Trong vòng 18 tháng qua, số lượng các vụ mua bán các công ty công nghệ của Israel thực sự đáng kinh ngạc”.

Trong đó phải kể tới thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp Onavo tại Israel của Facebook với giá 200 triệu USD vào tháng trước.

Tháng 6 vừa qua, Google cũng mua lại Waze - hãng bản đồ xã hội phổ biến tại Israel theo một thỏa thuận được thông báo có giá gần 1 tỷ USD. Chỉ hai tháng sau đó, IBM cho biết đã chi khoảng 1 tỷ USD để mua lại Trusteer, một công ty chống gian lận giao dịch có trụ sở tại Israel.

Tuần vừa qua, truyền thông nước này cũng đưa tin rằng Apple đang muốn mua lại PrimeSense với giá 345 triệu USD, một công ty khởi nghiệp nổi tiếng về thiết bị cảm biến 3D. Tuy nhiên, cả PrimeSense và Apple đều không đưa ra bất kì bình luận nào về thông tin này.

Vậy đâu là bí mật ẩn sau sự thành công của Israel trong việc xây dựng những mục tiêu công nghệ thu hút như vậy?

Thứ nhất, chính sách của chính phủ Israel đóng một vai trò then chốt. Tại quốc gia này, hầu hết mọi người buộc phải gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó họ có cơ hội tiếp xúc sớm với công nghệ cao và đôi khi là các hệ thống quốc phòng và thông tin liên lạc công nghệ cao đang phát triển.

Chính phủ Israel cũng có những ảnh hưởng trực tiếp trong lĩnh vực này. Trước những năm 1990, chính phủ nước này đã thành lập các quỹ có trị giá hơn 220 triệu USD để đầu từ vào các công ty khởi nghiệp có triển vọng tại Israel và cộng tác với các nhà đầu tư của châu Âu và Mỹ.

Hiện nay, chính phủ Israel tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ, cho vay và miễn thuế để khuyến khích các công ty công nghệ mới thành lập và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành công nghệ cao. Israel cũng giúp các doanh nhân của nước này thiết lập các quan hệ hợp tác với Mỹ.

Các giám đốc điều hành cho biết môi trường không chắc chắn của quốc gia Trung Đông non trẻ này cũng đóng một phần quan trọng trong việc phát triển khả năng thích ứng và chấp nhận rủi ro cho các các công ty.

Asaf Peled, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty truyền thông FTBpro có trụ sở tại Israel, cho biết: “Khi chúng tôi phải phát triển trong một môi trường không có cấu trúc, chúng tôi cũng phải học cách thay đổi, điều chỉnh, và thích ứng với việc mọi thứ luôn thay đổi nhanh chóng”.

Sự kết hợp của các yếu tố trên đã giúp Israel trở thành một sân chơi quốc tế, thu hút được các nhà đầu tư và các công ty của Mỹ trong ngành công nghệ đầy đổi mới này.

Theo Tal Slobodkin, quản lý phát triển cấp cao của Cisco tại Israel, “Các công ty được thành lập ở Israel đáp ứng rất tốt các yêu cầu của chúng tôi về mạng lưới, trung tâm dữ liệu, độ bảo mật và dũ liệu video”.

Kể từ năm 1998, Cisco đã thực hiện 11 vụ thâu tóm và đầu tư vào 22 công ty khởi nghiệp tại Israel.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo