Góc nhìn

Sắc màu nông thôn mới trên quê hương Thanh Hóa

DNVN - Giờ đây, đi đến đâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chúng ta đều dễ dàng nhận thấy xóm làng nơi đây đã đổi mới rất rõ nét. Cụ thể, nền nông nghiệp địa phương phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân được nâng lên một bước mới, hộ khá và giàu tăng nhanh, nông thôn nhộn nhịp, no ấm và sầm uất hơn.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp, đồng thời phát huy sức mạnh của toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước, của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 của Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra, đứng thứ 7 cả nước, sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định và phát triển toàn diện; sản xuất công nghiệp tăng hơn 16%, thu ngân sách nhà nước đạt gần 49 ngàn tỷ đồng, vượt 65% dự toán.

Con đường hoa ở một xã miền núi Thanh Hóa.

Con đường hoa ở một xã miền núi Thanh Hóa.

Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong năm 2022 là hơn 6.121 tỷ đồng, Trong đó, ngân sách các cấp hơn 3.716 tỷ đồng, chiếm hơn 60%; Ngân sách trung ương: hơn 796 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh: 120 tỷ đồng; Ngân sách huyện: 940 tỷ đồng; Ngân sách xã: 1.860 tỷ đồng; Vốn lồng ghép: 525 tỷ đồng, chiếm 8,6%; Vốn tín dụng: 400 tỷ đồng, chiếm 6,5%; Vốn doanh nghiệp, HTX: 380 tỷ đồng, chiếm 6,2%; Vốn huy động từ cộng đồng dân cư (bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất): 1.100 tỷ đồng, chiếm 18%; (không bao gồm kinh phí người dân tự chỉnh trang nhà ở dân cư).

Thực hiện chính sách khuyến khích xây dựng NTM, năm 2022, Thanh Hóa đã bố trí từ ngân sách 120 tỷ đồng, để hỗ trợ (thưởng) đủ định mức theo cơ chế, chính sách đã ban hành cho 3 huyện đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 306 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu để các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hỗ trợ 7,780 tỷ đồng cho các chủ thể có 80 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (71 sản phẩm 3 sao; 9 sản phẩm 4 sao).

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và các địa phương nên mặc dù chịu tác động bất lợi của giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, năm 2022, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kết quả khá. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 3,65%. Sản lượng lương thực 1,585 triệu tấn (vượt 3,6% KH). Tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao 7.334 ha. Chuyển đổi 3.130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị cao hơn. Chăn nuôi phát triển ổn định. Công tác phòng chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Lâm nghiệp phát triển bền vững, tỷ lệ che phủ rừng 53,6%, đạt kế hoạch. Hoạt động nuôi trồng thủy sản gắn với chủ quyền biển đảo được đẩy mạnh.

 

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 207,9 nghìn tấn, bằng 100,9 KH, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Việc củng cố, phát triển hợp tác xã được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 749 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã, 841 trang trại, 1.147 tổ hợp tác trong nông nghiệp; 51 HTX có sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tham gia hàng trăm gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các địa phương trong cả nước. Đến nay Thanh Hóa đã có 13 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, 28 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Năm 2022, mặc dù Trung ương phân bổ vốn đầu tư hỗ trực tiếp cho Chương trình chậm, song, Thanh Hóa tiếp tục cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn thu đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cùng với các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, các địa phương đã chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng NTM. Do vậy, năm 2022, toàn tỉnh có thêm nhiều xã đạt tiêu chí Giao thông; tiêu chí Thủy lợi; tiêu chí Điện; tiêu chí Trường học; tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn...

 

Công tác giáo dục được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời, đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy học đạt chuẩn Quốc gia.

Đến nay, có 465 xã đều đạt 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 98,9%. 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thường xuyên góp phần nâng tỉ lệ người lao động qua đào tạo. Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, trong năm tạo việc làm mới cho hơn 70.000 lao động. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã quan tâm tham mưu, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc làm. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản dễ dàng hơn, có chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, hiện toàn tỉnh đã có khoảng 94,1% dân số tham gia BHYT...

 

Kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,76 triệu đồng (tăng 6,692 trđ so với năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo còn 6,08% (giảm 0,66% so với năm 2021). Do vậy, năm 2022 Thanh Hóa có thêm thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 77 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 346 xã, 904 thôn, bản (trong đó có 692 thôn bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 246 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. Có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), 1 sản phẩm 5 sao.

Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn/bản miền núi, 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện và 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã và 10% số thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tương ứng với 19 đơn vị cấp huyện, 410 xã, 876 thôn/bản miền núi, 101 thôn/bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện và 165 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 41 xã và 340 thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Toàn tỉnh có ít nhất 559 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 15 tiêu chí, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,53 lần. Riêng năm 2023, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 17 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 120 sản phẩm OCOP.

Lê Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo