Phân tích

Băn khoăn với hợp đồng thoát nghèo từ cây cao su

Đã có hàng nghìn người dân thuộc 6 xã vùng thấp của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam liên kết cùng công ty TNHH Một Thành viên Cao su Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) triển khai trồng cây cao su nhằm thoát nghèo. Tuy nhiên, khi vụ mùa thu hoạch cây cao su còn chưa đến thì người dân trên địa bàn đã hoang mang, lo lắng…

 

 Giấc mơ thoát nghèo từ cây cao su

 
Tháng 10.2009, công ty TNHH Một Thành viên Cao su Nam Giang liên kết cùng người dân xã A Nông, bắt đầu triển khai trồng cây cao su trên địa bàn. Theo đó, người dân giao đất cho doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của các bên liên quan và chính quyền địa phương. Người dân được cung cấp cây cao su giống để trồng. 
 
Cùng với đó, họ phải thực hiện mọi công đoạn từ chăm sóc đến giữ gìn và bảo vệ vườn cây cao su được trồng đến ngày thu hoạch trên diện tích đất của mình. Ngay sau khi mô hình trồng cây cao su được triển khai trên địa bàn xã A Nông, tiếp đến mô hình này được mở rộng sang 5 xã vùng thấp khác là xã A Vương, A Tiêng, Bhalê, xã Lăng và xã Dang. 
 
Tính đến nay, mô hình trồng cây cao su được triển khai trên tất cả 6 xã vùng thấp của huyện Tây Giang, trong đó có 1.449 công nhân, hộ nhận khoán trồng cây cao su.
 
Hiện nay, trên toàn huyện có đến 2.100 ha diện tích đất đang triển khai trồng cây cao su. Sau hơn 5 năm bắt đầu triển khai tại xã A Nông, đến tháng 4.2015, diện tích cây cao su tại khu vực dự kiến sẽ đi vào thu hoạch. Ngoài ra, tại các xã trồng cây cao su khác trên địa bàn, hàng ngàn người dân vẫn đang cần mẫn chăm sóc cây cao su, đợi đến ngày thu hoạch.
 
Chưa thu hoạch, người dân đã hoang mang, lo lắng
 
Tiếp nhận mô hình và thực hiện trồng cây cao su với hy vọng được đổi đời nhưng hiện này không ít người trồng cao su trên địa bàn bắt đầu thấy hoang mang, lo lắng. Chị A Lăng Thị Blâm, người dân xã Lăng cho biết: ”Có muôn vàn những khó khăn mà nhiều người trồng cao su như tôi trước đây đã không thể lường trước được. Tôi nhận và trồng 8,7 ha, nhưng đến nay đã cảm thấy mệt mỏi rồi…!”.
 
Chủ tịch xã Lăng- ông Alăng Reng trả lời PV báo Lao Động.
 
Theo chị Blâm cho biết, chị nhận trồng cây cao su trên diện tích đất mình giao cho doanh nghiệp cao su. Trước đây, cứ 1ha trồng cao su, chị nhận được mỗi tháng 1,3 triệu đồng từ công ty cao su. Tuy nhiên, đến nay, cũng với diện tích như trên chị chỉ nhận được mỗi tháng 800.000 đồng, mà theo chị cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc công ty thông báo cắt giảm chi phí để xây dựng lò chứa mủ cao su.
 
Bên cạnh đó, chị Blâm còn than thở vì bên phía công ty và gia đình không có một giấy tờ gì thoả thuận cho việc hợp tác này nên gia đình chị cũng chẳng biết được đến kỳ thu hoạch thì gia đình có nhận được khoản tiền nào thêm nữa. Vì thực tế, chị hằng ngày vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây cao su quy mô lớn, và mỗi tháng nhận được vài triệu đồng từ tiền công chăm sóc mà phía công ty chi trả.
 
Chồng chị Blâm, anh Nguyễn Văn Tiến cho biết: ”Với diện tích quản lý chăm sóc lớn, gia đình tôi phải thuê lại người làm và trả lương cho công nhân. Gia đình tôi chỉ có tôi và vợ làm nên không xuể, trong khi 1ha để chăm sóc, làm cỏ, bón phân rất vất vả và phải mất gần nửa tháng mới hoàn thành đối với trường hợp 2 người làm.
 
Chủ tịch UBND xã Lăng- ông Alăng Reng, cho biết: ”Hơn 4 năm về trước, trên địa bàn đã nhân rộng triển khai mô hình trồng cây cao su. Theo dự kiến, trong khoản thời gian từ 5 năm đến 7 năm sau thì diện tích cao su trên địa bàn sẽ đi vào thu hoạch, nhưng đến thời điểm hiện tại, không biết vì lý do gì mà các cây cao su trên địa bàn rất chậm phát triển, một số khu vực cây cao su còn rất nhỏ”.
 
Người trồng cây cao su đang hoang mang, lo lắng vì cây cao su.
 
Cũng theo ông Reng, việc hợp tác trồng cây cao su là sự thoả thuận của bà con địa phương và phía công ty. Về các vấn đề hợp đồng, phía chính quyền cũng không rõ (!?). Cạnh nhà chị BLâm là gia đình chị Coor Thị Pưng, thôn Pơ Nin, xã Lăng, chị cũng trăn trở năm 2010, chị nhận 6ha diện tích để trồng cây cao su. Tuy nhiên số tiền phía công ty chi trả lại thấp khiến gia đình chị càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, bên phía gia đình và công ty cao su không có hợp đồng nào trên giấy, khiến cho chị rất lo lắng cho đến kỳ thu hoạch thì mình sẽ ra sao(?)
 
Công ty Cao su Nam Giang nói gì?
 
Phó TGĐ công ty TNHH Một Thành viên Cao su Nam Giang- ông Trần Minh Hùng cho biết:” Với mô hình trồng cây cao su. Người dân sẽ giao đất cho phía công ty để công ty trồng cây cao su. Rồi công ty giao lại diện tích ấy cho phía người dân để họ chăm sóc, bảo dưỡng, giữ gìn cây cao su cho đến ngày thu hoạch”.
 
Theo ông Hùng, khi xảy ra bất cứ sự cố nào về cây cao su, ví như trường hợp vườn cây bị kẻ xấu chặt phá hay trâu bò ăn… thì sẽ có 2 trường hợp để xử lý. Cụ thể, nếu nguyên nhân đến từ việc người dân chủ quan, không quan tâm giữ gìn vườn cây thì người dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn trường hợp khách quan do điều kiện thời tiết thì người dân sẽ không phải chịu trách nhiệm.
 
Với việc trồng cây cao su, cũng sẽ có 2 trường hợp người dân được hưởng lợi từ mô hình này tuỳ vào diện tích mỗi người nhận trồng. Người nhận trồng từ 3ha trở lên sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, được hưởng chế độ hưu trí về sau, còn trong hiện tại thì họ chỉ được hưởng lương mỗi tháng mà công ty chi trả theo diện tích chăm sóc, quản lý. Trong trường hợp, diện tích trồng cây cao su dưới 3ha, người dân chỉ được nhận tiền lương mỗi tháng, các khoản bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là tự nguyện.
 
Ông Hùng cũng cho biết, với mô hình trồng cây cao su, sau 27 năm, công ty sẽ tiến hành thanh lý, tái canh và trồng lại. Nếu người dân nào muốn tiếp tục theo trồng cây cao su sẽ được công ty giao cho trồng và chăm sóc.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề giấy tờ pháp lý về những những điều khoản như trên mà phía công ty đã hợp tác cùng người dân thì ông Hùng cho biết, các giấy tờ này người dân không giữ, chỉ có phía công ty lưu giữ nên họ không biết đến hoặc còn mơ hồ với các điều khoản trong đó.
 
Anh Nguyễn Văn Tiến, chồng chị Alăng Thị Blâm thì cho biết:” Chúng tôi nghe nói sẽ được phía công ty cấp cho bảo hiểm nhưng đến nay vẫn chưa thấy bảo hiểm nào cả. Còn về cuối kỳ thu hoạch, chúng tôi có nhận được gì không, chúng tôi cũng chẳng biết. Hơn nữa, thời hạn để chúng tôi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp là khi nào thì tôi cũng chẳng rõ…”.
 
Cũng theo anh Tiến cho biết thêm, không chỉ riêng anh mà nhiều hộ dân khác tại địa phương có trồng cây cao su cũng bối rối, lo lắng chẳng kém. 
 
Khi chúng tôi đề cập đến bản hợp đồng giữa công ty và phía người dân thì ban đầu ông Hùng cho biết công ty đang lưu giữ, nhưng khi chúng tôi muốn tiếp cận bản hợp đồng nói trên thì ông Hùng lại cho rằng công ty hiện không giữ hợp đồng nói trên (!?).
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo