Bất động sản

Bán trụ sở phải đấu giá

Khi di dời, các bộ ngành phải trả lại trụ sở cũ cho Nhà nước để Nhà nước có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, bởi đó là tài sản quốc gia. Sau đó, nếu bán, phải tiến hành đấu giá để đảm bảo không làm thất thoát tài sản công.

Đây là ý kiến của một số chuyên gia, nhà quy hoạch đô thị về việc sử dụng trụ sở những bộ, ngành sau khi di dời. Theo các chuyên gia, vì đây là các khu “đất vàng” nên không thể chỉ đơn thuần tính đến yếu tố kinh tế, “chăm chăm” bán đất lấy tiền.

 

Phải trả lại Nhà nước

 

Trước thông tin Bộ GTVT sẽ bán trụ sở hiện có tại khu “đất vàng” 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho một doanh nghiệp, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Bộ GTVT có thể ngộ nhận vì việc bán hay không thì Bộ này không thể tự quyết định.

 


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cũng tỏ ra rất bất ngờ khi trước thông tin Bộ GTVT sẽ bán trụ sở cũ. Theo bà Lan, việc di dời các bộ, ngành là chủ trương chung của Chính phủ và các cơ quan di dời phải trả lại trụ sở cũ cho Nhà nước.
 
 
Cục Công sản (Bộ Tài chính) sẽ tiếp nhận tài sản đó và trình Chính phủ quyết định phương án sử dụng. Chính phủ có thể giao Bộ Tài chính hoặc UBND TP.Hà Nội thực hiện việc này. Nguyên tắc là những trụ sở, những tài sản đó phải trả lại cho công quỹ để có phương án khai thác, sử dụng cho có hiệu quả.
 
 
“Đó là tài sản của Nhà nước, của Quốc gia chứ có phải bộ, ngành nào tự kiếm ra đâu mà rao bán? Tôi rất ngạc nhiên thấy thông tin trụ sở bộ được rao bán nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền nào có ý kiến”, bà Lan nói.
 

Phải đấu giá

 

KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo Luật Đất đai, toàn bộ trụ sở các cơ quan Nhà nước đều thuộc diện giao đất không thu tiền sử dụng đất nên muốn đấu giá, muốn bán thì phải chuyển mục đích sử dụng đất.

 

Nếu chuyển cho một doanh nghiệp khác vào tiếp nhận hoặc xây dựng thì sẽ “trốn” được nghĩa vụ tài chính. Theo phân tích của ông Hanh, đây là đất công, nếu đơn vị nào lấy đất đó thì mặc nhiên “né” được giá thị trường, hậu quả là tài sản Nhà nước bị thất thoát rất lớn.

 

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc di dời trụ sở các bộ, ngành Trung ương là một chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm hướng tới tập trung thành một khu trung tâm chính trị - hành chính, giảm áp lực giao thông, cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao vị trí quyền lực của các cơ quan công quyền.

 

Theo ông Chính, vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất là những khu đất vàng sau khi các bộ, ngành di dời ấy sẽ xử lý thế nào. “Vì diện tích đất các bộ ngành đang sở hữu có diện tích khác nhau, vị trí khác nhau nên cơ quan nào chủ trì cũng bắt buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất. Có như vậy mới đảm bảo minh bạch, không làm thất thoát tài sản công”, ông Chính nói.

 

Sử dụng đúng quy hoạch

 

Theo ông Trần Ngọc Chính, để giảm áp lực về giao thông, phù hợp với quy hoạch chung, cần cân nhắc để đảm bảo công trình thay thế (trên vị trí cũ) đáp ứng được yêu cầu đô thị khu vực đó. Quy định về mục đích sử dụng cũng phải hạn chế, không thể để công trình mới lại gây áp lực về giao thông, mật độ xây dựng hơn công trình cũ.

 

Về lo ngại các khu “đất vàng” có mất hấp dẫn trong mắt các chủ đầu tư khi công trình theo quy hoạch (không được xây cao quá 9 tầng tại khu vực nội thành) khó sinh lợi nhuận, ông Chính cho rằng khi đã xác định di dời các bộ, ngành ra khỏi nội đô cũng có nghĩa là Nhà nước phải có chính sách đặc biệt với các khu “đất vàng” này.

 

Có thể dùng ngân sách, thậm chí vốn của doanh nghiệp, nhưng tất cả phải đảm bảo nguyên tắc chung là phù hợp yêu cầu về quy hoạch.

 

“Việc này phải được cam kết ngay từ đầu, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để các chủ đầu tư cân nhắc, quyết định”, ông Chính nói và cho biết thêm: do bị khống chế về quy hoạch, nên có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi nhằm bù đắp cho các chủ đầu tư, chẳng hạn như cho phép họ được đầu tư xây dựng thêm ở các vị trí khác...

 

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nhận định khi chuyển trụ sở đi mà chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế, chăm chăm đến bán đất là không hợp lý. Do mật độ xây dựng của Hà Nội đã quá cao và nên phải nghĩ đến chức năng phục vụ của từng công trình để chuyển đổi hoặc làm khu vui chơi giải trí, cây xanh.

 

Nếu đơn vị nào đặt vấn đề mua mảnh đất đó cũng phải xây dựng theo quy hoạch, không thể cho xây dựng chung cư cao tầng hoặc trung tâm thương mại. Thậm chí, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn còn cho rằng, tốt nhất là các trụ sở đó nên được trả lại TP.Hà Nội để sử dụng vào mục đích công cộng.

 

Theo Mạnh Đồng (ĐV)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo