Hỗ trợ doanh nghiệp

Bán vốn doanh nghiệp Nhà nước: Cẩn thận lợi bất cập hại!

(DNVN) - Đánh giá về tác động của việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, chuyên gia của Ngân hàng ANZ cho rằng, nếu cổ phần hóa thành công thì mọi chuyện hoàn toàn suôn sẻ, nhưng nếu làm không tốt quá trình cổ phần hóa thì sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, chiếm lấy cổ phần và tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và chuyển lợi nhuận về nước.

Tại buổi họp công bố bản báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015 của ngân hàng ANZ diễn ra chiều ngày 4/11 vừa qua, trả lời thắc mắc của báo chí xung quanh quyết định bán vốn khỏi 10 doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam, ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ nhận định, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn là chủ đề thú vị đối với các nước.

Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ.

Đặc biệt, các nước đang phát triển khi muốn leo lên những nấc thang có giá trị cao hơn thì đều phải tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề đặt ra khi đó là sự công bằng và đối xử bình đẳng đối với tất cả các thành phần doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế mà trong một nền kinh tế phát triển như Việt Nam nếu các doanh nghiệp có thể thâu tóm được cổ phần thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Trả lời báo chí về việc bán vốn này liệu có thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp nước ngoài, ông Glenn B. Maguire nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, đặc biệt trong môi trường kinh tế linh hoạt, đa dạng  như ở Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. 

"Hiện nay, Việt Nam cũng đang trên con đườnghội nhập với các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, tham gia vào những chuỗi giá trị sản xuất và cùng tương tác với các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc. Vì vậy, nhân cơ hội này, nhiều tập đoàn đa quốc gia chắc chắn sẽ quan tâm tới cổ phần doanh nghiệp nhà nước để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua thị trường nhà đầu tư nội địa tại Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân", vị chuyên gia của ANZ lý giải.

Đánh giá tác động về việc bán vốn tại các doanh nghiệp lớn cho các nhà đầu từ ngoại, ông Glenn B. Maguire cho rằng, trong tình huống khả quan nếu công việc cổ phần hóa được diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hứng thú vào nắm giữ cổ phần, đồng thời họ sẽ mang đến kỹ năng, công nghệ, giúp nâng cao năng suất lao động… và đó chính là những điểm cộng cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trong kịch bản xấu nghĩa là nếu làm không tốt quá trình cổ phần hóa thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng, chiếm lấy cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng lợi thế lao động giá rẻ ở Việt Nam để đầu tư kiếm lợi nhuận mà không đầu tư trở lại vào nền kinh tế để tạo ra những việc làm có giá trị gia tăng cao hơn mà sẽ chuyển hết lợi nhuận về nước…

 

Vị chuyên gia của ANZ dẫn chứng, nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, ngay cả với những quốc gia phát triển khi bắt đầu tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, bước đầu cũng rất thận trọng. Theo đó, họ chỉ cho phép nước ngoài sở hữu đến 49% cổ phần tại doanh nghiệp, nhà nước vẫn giữ 51% cổ phần.

Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát rất chặt chẽ. Chẳng hạn như ở Úc, Chính phủ thông qua Ủy ban Rà soát đầu tư nước ngoài áp dụng những thông lệ, kinh nghiệm quốc tế tốt nhất để đảm bảo việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước phải mang lại sự phát triển lành mạnh và phải có một tầm nhìn trung hạn.

Trên cơ sở đưa ra những tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, vị chuyên gia của ANZ khuyến cáo việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước cuối cùng phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Đồng thời, phải là quá trình tịnh tiến từng bước một, không vội vàng làm ngay, nếu cổ phần hóa các ngân hàng lớn ngay từ đầu thì tác động mang lại cho nền kinh tế sẽ là tiêu cực. Chính vì thế, chúng ta nên áp dụng cách tiếp cận thận trọng, không nên làm ngay một lúc hay mở hoàn toàn để tránh những tác động không có lợi.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo