Xã hội

Bảo vệ quyền của phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài

Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương và dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới.

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức hội thảo “Đối thoại chính sách về bảo vệ quyền của phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện Việt Nam có 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Việt Nam đưa từ 70.000 – 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là nam giới; những năm gần đây mỗi năm có khoảng 30% đến 35% lao động nữ ra nước ngoài làm việc, chủ yếu trong các ngành nghề như điện tử, dệt may, dịch vụ khách sạn, giúp việc gia đình...

Những năm qua, cùng với chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chính sách về bảo vệ quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là nhóm lao động nữ. Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang có nhiều hành động thiết thực.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nêu cho biết: Bộ đã phối hợp với vơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thực hiện dự án “Tăng quyền cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” theo hợp đồng. Dự án đã tập trung thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dự án đã tổ chức, nghiên cứu tình hình lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài; báo cáo rà soát các chính sách, đề xuất các chính sách, xây dựng và sửa đổi chính sách, bảo vệ quyền cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, hiện ở nước ta vẫn chưa có chính sách riêng đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Hầu hết các văn bản pháp luật và chính sách hiện hành đều quy định chung cho cả nam và nữ, nên lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương và dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới.

Thực tế, khi làm việc ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động nữ Việt Nam bị chủ sử dụng lao động quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và đuổi khỏi nhà. Do hạn chế ngôn ngữ, nhiều lao động nữ không bảo vệ được mình, lao động bất hợp pháp…

Để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ Việt Nam tại nước ngoài, theo nhiều đại biểu, cùng với sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành địa phương trong nước, cần tăng cường theo hướng cải thiện những buổi đối thoại về chính sách với các nước tiếp nhận lao động nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức cơ bản về giới; Luật lao động của Việt Nam tại nước sở tại cũng như luật, văn hóa, ngôn ngữ của nước bạn cho lao động Việt Nam trước khi xuất ngoại./.

 

 

Hồng Lĩnh (theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo