Pháp luật

Bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em: Tình tiết mới nhất

Liên quan đến việc người dân xông vào đánh hai phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em ở Hà Nội, công an đã triệu tập một số đối tượng để điều tra vụ việc.

Theo đại diện Cơ quan CSĐT - CA H Sóc Sơn, ngay sau khi nhận được thông tin vụ gây thương tích xảy ra hồi 11h15 ngày 22/7 tại Khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, CAH Sóc Sơn đã cử ngay tổ công tác tới hiện trường làm rõ những người bị đánh là các chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và  Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức đang đi bán tăm bông để gây quỹ tình thương, theo tin tức trên báo An ninh thủ đô. 

Hai người phụ nữ bị đánh đập ở Sóc Sơn vì nghi bắt cóc trẻ em, nhưng sự thật lại khác (Ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, khi đến nhà cháu Đinh Huy Anh (SN 2012, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), các chị Phúc và Bảy đã hỏi bố mẹ cháu Huy Anh có nhà không  nhằm mục đích bán tăm bông. Thấy hai người phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu Huy Anh, người nhà cháu này là đã đuổi chị Bảy và chị Phúc ra khỏi nhà và hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em.

Nghe thấy thế, một số người dân ở xung quanh đã nghe theo và đuổi đánh các chị Bảy, Phúc đến địa phận Khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, khiến hai người bị thương tích.

CAH Sóc Sơn đã phối hợp với người dân đưa các nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn để khám và điều trị; Đồng thời tiến hành lấy lời khai người có liên quan, làm rõ các chị Bảy và chị Phúc là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, đi bán tăm bông và không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thông qua sự việc lần này, luật sư Cường nhận định đây là một vụ việc thể hiện sự cuồng nộ của đám đông trước một thông tin chưa được kiểm chứng và gây hậu quả nghiêm trọng, theo báo Người đưa tin.

“Theo tôi, sự việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Ngoài ra, một số đối tượng tham gia hô hào, kích động đám đông có những hành động quá khích cũng sẽ bị xem xét, xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245, Bộ luật Hình sự hiện hành”, luật sư Cường cho biết.

 

Về sự việc đánh hai phụ nữ ở Sóc Sơn, vị luật sư này cho biết không có hành vi hủy hoại tài sản nên không xem xét về tội cố ý làm hư hỏng về tài sản.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc người dân nghi ngờ, cảnh giác với kẻ xấu là cần thiết, thế nhưng khi sự việc xảy ra đám đông dễ kích động, dẫn đến những hành vi quá khích.

Vị luật sư này nhấn mạnh :“Khi người dân bắt giữ như vậy thì họ vẫn chỉ là nghi phạm, chưa chắc chắn đối tượng đó phạm tội. Vì vậy, công dân cần có những hiểu biết pháp luật để hành xử cho đúng mực. Nếu xảy ra những trường hợp tương tự, chính quyền địa phương cần có mặt để can thiệp kịp thời, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người bị tình nghi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết giới hạn hành vi của mình trong các tình huống bắt giữ tội phạm, bắt người phạm tội quả tang”.

Đối với những người lạ đến vùng nông thôn mà bị tình nghi là tội phạm bắt cóc thì nên có những giải thích kịp thời cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, phải tìm cách liên hệ sớm nhất với cơ quan chức năng.

 

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Người đưa tin, An ninh thủ đô)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo