Tin tức - Sự kiện

Bộ GD-ĐT nói gì về vụ 500 giáo viên Đắk Lắk sắp thất nghiệp?

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý vấn đề theo đúng pháp luật nhưng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ nhà giáo trước thực tế hơn 500 giáo viên hợp đồng tại Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ bị mất việc.

Phản hồi thông tin về việc hơn 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ bị mất việc, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết Bộ đã tiến hành xác minh làm rõ để có phương án xử lý kịp thời. 

Theo ông Minh, Nghị định 115/2010/NĐ-CP đã quy định rõ việc tuyển dụng giáo viên là phân quyền của các địa phương. Cụ thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế công chức cho phòng GD-ĐT, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước, ban hành các chủ trương, biện pháp để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Krông Pắk, Đắk Lắk bức xúc kéo lên UBND huyện phản đối. Ảnh: Cao Nguyên.

Theo quy định này, việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng thuộc quyền của UBND huyện Krông Pắk.

Ông Minh cũng cho hay sau khi xác minh cụ thể sự việc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý vấn đề theo đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ nhà giáo. 

TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho biết Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ sớm có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Tinh thần của công văn này là đề nghị tỉnh cung cấp thông tin về việc tuyển dụng, căn cứ để sa thải các giáo viên nói trên; đồng thời, yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người lao động. Quan điểm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là địa phương cần có cách giải quyết hợp tình, hợp lý trên tinh thần tiếp nhận tối đa được số giáo viên. Ông Đức nói thêm, đơn vị này sẽ phối hợp nắm tình hình và có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật. Công đoàn có chức năng khởi kiện khi được người lao động ủy quyền.

Trước đó, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức cuộc họp để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong tuyển dụng giáo viên dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết trước mắt UBND huyện đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên với chỉ tiêu 83 người. Sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ tiếp tục chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển. 

Như vậy, trong hơn 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện Krông Pắk tuyển dụng thừa thời gian qua, sẽ có hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Nên đọc
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo