Hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Giao thông vào cuộc vụ Hãng tàu Hanjin phá sản

(DNVN) - Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Hãng tàu Hanjin và đưa vào công-ten-nơ của Hanjin được lấy hàng ra và chuyển sang các hãng tàu khác...

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có công văn gửi tới Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistics Việt Nam về việc hãng tàu Hanjin phá sản, bị thua lỗ và đã nộp đơn lên tòa án xin phá sản.

Công văn nêu rõ, thực hiện Văn bản số 7734/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 10853/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến Hãng tàu Hanjin Shipping Global của Hàn Quốc xin phá sản, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị các Cảng vụ Hàng hải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải tại khu vực cảng biển chủ động theo dõi sát tình hình tàu biển và công-ten-nơ của Hãng tàu Hanjin vào cảng, lập kế hoạch và bố trí phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận và giải phóng hàng nhanh chóng, thuận lợi.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Hãng tàu Hanjin và đưa vào công-ten-nơ của Hanjin được lấy hàng ra và chuyển sang các hãng tàu khác.

Bên cạnh đó, thành lập ngay đường dây nóng tại các Cảng vụ Hàng hải và thông báo cho các doanh nghiệp tại khu vực biết để trực tiếp tiếp nhận, cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến Hãng tàu Hanjin, kịp thời đánh giá tác động, ảnh hưởng, công nợ và các kiến nghị đề xuất (nếu có) nhằm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đưa ra các giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam do việc Hãng tàu Hanjin xin phá sản.

Các Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội chuyên ngành và Hiệp hội ngành hàng Việt Nam chủ động tìm hiểu thông tin hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên để lựa chọn các hãng tàu thay thế, tránh bị chậm chễ trong giao nhận hàng và gây ùn tắc tại cảng nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của các hội viên; đồng thời, trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên với Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình nhận hàng, gửi hàng của các doanh nghiệp ký hợp đồng với Hãng tàu Hanjin.

Theo báo cáo của hãng tàu Hanjin Việt Nam, hiện có khoảng 3.000 container hàng hóa của Việt Nam chưa thể về nước hoặc chưa thể hoàn thành việc xuất khẩu. Trong đó có 1.516 container dự kiến nhập khẩu đang phải nằm chờ ở cảng các nước xuất khẩu, 432 container nhập khẩu đang nằm ở kho của khách hàng bên bán và 1.323 container xuất khẩu vẫn đang ở các cảng trung chuyển hoặc trên tàu của hãng Hanjin chưa cập bến.

Trong khi đó, bản thân Hanjin cũng yêu cầu các tàu của mình không làm thủ tục nhập vào các cảng do sợ bị bắt giữ, trừ nợ. Được biết, hiện Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Các ngành có hàng hóa vận chuyển qua Hanjin nhiều là những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng thủy hải sản...

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo