Thị trường

Bộ Kế hoạch & Đầu tư phân tích lý do vì sao giải ngân chậm

Sau tháng 7, dù tỉ lệ giải ngân có tín hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm 2017 nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của Chính phủ. Do đó, việc cần rà soát lại những nguyên nhân, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Đây là ý kiến của ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư” tại Cổng TTĐT Chính phủ chiều 18/8.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đánh giá chi tiết các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ.

Bộ KH&ĐT làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm. 

Theo ông Phương, để giải ngân, đồng vốn chuyển từ kho bạc đến nhà thầu, dự án phải qua nhiều công đoạn như: Thẩm định phê duyệt, giao vốn, thực hiện dự án, thanh quyết toán…

Có thể thấy nguyên nhân phổ biến đầu tiên là do thói quen quy luật nhiều năm ,“đầu năm đủng đỉnh, dồn dập cuối năm”.  Lý giải về việc này, ông Phương cho biết, thông thường, “phong cách” làm việc các cơ quan và nhà thầu là đầu năm tập trung vào khâu chuẩn bị.
Thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng cũng rất phức tạp. Dự án càng lớn, diện tích đất càng rộng, ở khu vực phức tạp, giải phóng mặt bằng càng lâu. 

Thứ ba, là vấn đề khí hậu. Các công trình ở vùng có mùa mưa thì vào mùa mưa thường không thi công được nên không đủ khối lượng hoàn thiện lập hồ sơ thanh toán kho bạc.

Thứ tư là vấn đề giao vốn chậm cũng  ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, ông Phương giải thích rằng việc giao vốn phụ thuộc quy định pháp luật là phải đủ hồ sơ. Trong đó, quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án, nhiều dự án mất thời gian khá dài nên ảnh hưởng tới giải ngân…

Trước đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017 (không bao gồm trái phiếu chính phủ) là 307.150 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, vốn đã giao kế hoạch là 303.075,66 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương là 125.625,66 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch, vốn cân đối ngân sách địa phương là 177.450 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin. 

 

Số vốn còn lại Bộ KH&ĐT chưa giao là 4.074,34 tỷ đồng, bằng 1,3% kế hoạch, trong đó chủ yếu bao gồm 3.000 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (hiện Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan).

Đối với vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), tình hình giao vốn khó khăn hơn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và 16.458,02 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017.

Qua 6 tháng, Bộ KH&ĐT mới giao được 5.197,3 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, chiếm 10,4%. Còn vốn TPCP chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng (38,2%). Như vậy vốn TPCP chưa giao vẫn còn gần 55.000 tỷ đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân giao chậm trễ vốn TPCP là do quy định, điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30/10 của năm trước năm kế hoạch, mà các dự án khởi công mới đề xuất bố trí kế hoạch năm 2017 nguồn vốn TPCP đều có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2016.

Quan trọng hơn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định (trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 26,8%).

 

Ngoài ra, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, sau nửa năm đã phát hành được 3/4 số lượng TPCP để huy động vốn cho thực hiện các công trình, dự án, nhưng việc giải ngân lại đang chậm trễ như nêu trên.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Điện tử Chính phủ, Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo