Tài chính - ngân hàng

Bộ Tài chính dọn đường tăng thuế nhập khẩu xăng dầu

Công văn số 17728/BTC-CST về khung thuế suất thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng dầu (tương ứng với các mức giá xăng dầu cụ thể) vừa được Bộ Tài chính ban hành có thể xem là bước dọn đường cho việc tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này ngay từ đầu năm 2015.

Sau gần 5 năm, kể từ khung thuế suất nhập khẩu xăng dầu (tương ứng với các mức giá xăng dầu cụ thể) tại Công văn số 837/BTC- CST (ngày 19/1/2010) được ban hành, Bộ Tài chính đã vừa thay đổi khung thuế suất này bằng Công văn  số 17728/BTC-CST. Động thái thay đổi khung thuế nhập khẩu xăng dầu tại Công văn 17728/BTC-CST với các mức thuế suất cao hơn tại Công văn số 837/BTC-CST cho thấy, những e ngại nhất định về nguồn thu ngân sách.

Bộ Tài chính dọn đường tăng thuế nhập khẩu xăng dầu
 
Bộ Tài chính ban hành công văn dọn đường cho việc tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này ngay từ đầu năm 2015  
Trước đó, vào tháng 12/2012, Bộ Tài chính cũng đã từng lấy ý kiến về việc thay đổi các khung thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu (thay thế cho khung thuế đang áp dụng tại Công văn số 837/BTC-CST), nhưng sau đó, không tiến hành bất cứ thay đổi nào.
 
Dù có khung thuế suất mới, nhưng thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ chưa thể tăng ngay trong những ngày cuối năm 2014, bởi tại Công văn số 11878/BTC-CST (ngày 22/8/2014) công bố các mức thuế nhập khẩu xăng dầu cụ thể, Bộ Tài chính đã khẳng định: “Các mức thuế này được áp dụng đến hết năm 2014”.
 
Có thể thấy, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu xem ra cũng còn là vấn đề thời gian, bởi trước đó ít ngày, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLDDQ) chính thức đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp dụng theo Công văn số 11878/BTC-CST. Theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ giúp nguồn thu điều tiết của NMLDDQ đảm bảo theo dự toán được Bộ Tài chính đưa ra.
 
NMLDDQ có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 5,92 triệu tấn dầu tinh (sản phẩm sau hoá dầu)/năm). Trong giai đoạn 2010-2013, nhà máy đạt sản lượng bình quân là 5,84 triệu tấn dầu tinh/năm. Theo kế hoạch, năm 2015, NMLDDQ sẽ đạt sản lượng 5,74 triệu tấn dầu tinh và giá mua dầu thô được tính theo mức 100 USD/tấn.
 
Theo tính toán của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2015, với sản lượng 6,2 triệu tấn tiêu thụ, dự kiến giá mua dầu thô là 110 USD/thùng và giá bán bình quân là 24,4 triệu đồng/tấn, thu ngân sách của NMLDDQ có thể đạt 26.600 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2014. Trong số này, thuế VAT là 10.700 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 5.900 tỷ đồng và khoản thu điều tiết là 10.000 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính mong đợi sẽ thu được 28.600 tỷ đồng từ NMLDDQ, cao hơn tính toán của địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng khiến cho tỉnh Quảng Ngãi e ngại không thể hoàn thành được chỉ tiêu, nhất là trong điều kiện giá dầu thô đã giảm hơn 25% so với thời điểm tính toán.
 
Phương án được tỉnh Quảng Ngãi đề xuất để đảm bảo con số thu 28.600 tỷ đồng là nâng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay hoặc NMLDDQ phải hoạt động với công suất 6,62 triệu tấn trong năm 2015. Điều đáng nói là, phương án nâng công suất lên 6,62 triệu tấn được tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận là không khả thi.
 
Theo công bố của các bản tin dầu khí quốc tế, ngày 5/12/2014, giá dầu WTI trên thị trường thế giới là 66,81 USD/thùng, còn dầu Brent Biển Bắc là 69,64 USD/thùng. Dự báo, trong 1 năm tới, giá dầu thô dao động ở mức 76 USD/thùng.
 
Trong kế hoạch cân đối ngân sách năm 2015, Chính phủ đã dự tính giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Nên cũng cho hay: “Giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng và như thế dự tính nếu năm 2015, giá dầu thô dao động ở mức 80 USD/thùng thì chúng ta mất 20.000 tỷ đồng”.
 
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao, tính toán không nên khai thác lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu có thể đem lại lợi nhuận tương đối. Đồng thời, tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp số hụt có thể xảy ra. Đến thời điểm này, mọi người có thể tạm yên tâm rằng phương án bù đắp của Bộ Tài chính đưa ra là khả thi.
 
Năm 2014, Bộ Công thương đã giao cho 19 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu hạn mức nhập khẩu 8,7 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Con số này cũng không tính mức sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/11/2014, cả nước đã nhập khẩu được 7,49 triệu tấn, m3 xăng dầu các loại (trị giá 6,944 tỷ USD). Trong đó, xăng là 2,18 triệu tấn, dầu diesel là 3,68 triệu tấn.
 
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo