Thị trường

Bộ Tài chính muốn tăng thuế VAT: Chuyên gia nước ngoài nói gì?

(DNVN) - Theo chuyên gia nước ngoài Sebastian Eckardt, việc giữ thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức thấp không phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa và đảm bảo công bằng.

Nói về Dự án Luật sửa 5 Luật về thuế đang được Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính là rất quan trọng và kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ số thu thuế trên GDP của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây - từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016. 

Theo vị này, việc giảm tỷ lệ động viên trên GDP chủ yếu do 3 yếu tố. Thứ nhất, thu từ dầu thô giảm. Thứ hai, thu từ thương mại giảm do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại. Cuối cùng là do việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 32 xuống 20 phần trăm để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Sebastian Eckardt- Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

"Những thay đổi nêu trên tạo hiệu quả tốt cho nền kinh tế nói chung do đã kích thích đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng cũng đã góp phần làm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, dẫn đến tăng nợ công. Hiện nay tỷ lệ động viên trên GDP của Việt Nam đã giảm 5,2% so với thời điểm năm 2010 và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công", ông Sebastian Eckardt nhận định.

Cũng theo vị này, mức chênh lệch tài khóa trên cần được thu hẹp để đảm bảo bền vững nợ công. Việc này đòi hỏi các chính sách toàn diện và cân bằng ở cả chính sách huy động nguồn lực đủ và chi tiêu hiệu quả hơn. Về chi ngân sách, cần phải cải thiện tính hiệu quả và tiết kiệm. Có những nội dung chi tiêu không hiệu quả cần phải được cắt giảm. Nhưng đồng thời, Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu đầu tư lớn. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như y tế và giáo dục cho người dân Việt Nam.

"Do đó, cần phải tiến hành những bước/biện pháp để tăng huy động nguồn thu trong nước để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư bền vững phục vụ phát triển và tăng trưởng trong tương lai. Nếu không tiến hành kịp thời các biện pháp này thì nợ công sẽ tăng cao và dịch vụ xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", ông này nói.

Vì vậy, theo ông Sebastian Eckardt, điều quan trọng là phải tiến hành cải cách thuế để đưa huy động thu quay lại quỹ đạo bền vững. Đồng thời, gánh nặng thuế cần phải được chia sẻ công bằng và môi trường thuế cũng cần hỗ trợ phát triển và đầu tư. Đề xuất Luật sửa một số luật thuế mới đây là một gói cải cách toàn diện với các phương án chính sách rõ ràng cần được cân nhắc một cách cẩn trọng theo hướng này. Đề xuất sửa một số luật thuế đã đơn giản hóa cấu trúc thuế suất thuế TNCN và thiết kế các mức thuế suất lũy tiến hơn. Đề án cũng tăng thuế đối với tài nguyên, điều này sẽ tạo nguồn thu thêm cho NSNN nhưng cũng mang lại lợi ích bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, đó là việc chuyển dịch gánh nặng thuế nhiều hơn đối với thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT, sắc thuế mà có xu hướng là loại thuế rất hiệu quả và phục vụ tăng trưởng. Mặc dù chúng ta có thể thảo luận chi tiết hơn nhưng về nhận định tổng quan thì có thể nói nhiều giải pháp đề xuất trong Dự án Luật sửa các luật thuế sẽ giúp đạt được các mục tiêu của Chính phủ trong việc ổn định huy động nguồn thu trong khi giữ tỷ trọng gánh nặng thuế công bằngvà môi trường thuế thuận lợi cho tăng trưởng.

 

Cũng theo ông Sebastian Eckardt, về đề xuất sửa đổi thuế GTGT, có nhiều ý kiến khẳng định rằng cần xem xét thuế GTGT là một phần của tiến trình cải cách, cơ cấu lại tổng thể hệ thống thuế. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy thuế GTGT hiệu quả hơn về khía cạnh phục vụ phát triển kinh tế so với thuế thu nhập đánh vào lao động và vốn. Thuế GTGT có ít tác động bóp méo đến các quyết định kinh tế của hộ và doanh nghiệp hơn sắc thuế đánh vào lao động và vốn. Thuế GTGT cũng góp phần hỗ trợ tăng tính cạnh tranh quốc tế. Là thuế đánh vào việc tiêu dùng trong nước, bao gồm cả hàng hóa dịch vụ nhập khẩu trong khi hàng hóa dịch vụ xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Mặt khác, thuế thu nhập, dù là đánh vào lao động hay vốn thì đều tạo gánh nặng thuế lên quá trình sản xuất trong nước nhưng hàng nhập khẩu thì không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập. Chúng ta không ngạc nhiên thấy rằng ở nhiều nước đang chuyển đổi cơ cấu thuế phụ thuộc nhiều hơn vào thuế GTGT. Hiện nay, đây là sắc thuế đánh vào tiêu dùng mà tất cả các nước OECD đang áp dụng, trừ Mỹ. Đây cũng là sắc thuế tiêu dùng mà tất cả các nước lớn ngoài khối OECD đang áp dụng, bao gồm cả Ấn Độ đã bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7 năm nay.

Vị này cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn tiềm năng mở rộng việc áp dụng thuế GTGT. Nếu chúng ta xem xét về tỷ lệ động viên của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT trong tổng thu NSNN, thì tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ hiện hành của Việt Nam vào năm 2016 chiếm khoảng 48.5% tổng thu NSNN. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này của Việt Nam là thấp hơn Thái Lan (53.9%), Lào (55.9%), Cam-pu-chia (55.5%), và nhỉnh hơn Philippines (45.6%). Thuế suất thuế GTGT hiện hành đang ở ngưỡng thấp so với toàn cầu. Mức thuế suất thuế GTGT trung bình của toàn thế giới là 16% nhưng tất nhiên là có nhiều khác biệt giữa các nước. Trong khối các nước ở Châu Á, có Indonesia và Campuchia đang áp dụng thuế suất 10%, Philippines mức 12%, Sri Lanka 12,5%, Mông Cổ 13%, Bangladesh 15% và Trung Quốc 17%. Ấn Độ vừa mới áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thuế suất 20% hoặc cao hơn tùy vào mặt hàng.

"Do đó, mức tăng thuế suất thuế GTGT như đề xuất là phù hợp với thông lệ quốc tế", chuyên gia nhận định.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo