Thị trường

Bộ trưởng Bộ Công thương: Giá xăng dầu đang đi đúng hướng

(DNVN) - Bộ Trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của các Đại biểu về cách điều hành giá xăng dầu.

Trong phiên họp Quốc hội chiều 11/6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu về xuất nhập khẩu, giá điện, giá xăng tăng...
Giá xăng dầu đang đi đúng hướng?
Liên quan đến mặt hàng xăng, dầu, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) khẳng định, kinh doanh xăng dầu ở nước ta không theo cơ chế thị trường bởi Nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với quy luật của thị trường.
Vì thế, đại biểu Nam đề nghị Bộ trưởng Công thương nêu biện pháp tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay sang cơ chế thị trường giống như các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn về giá điện. Ảnh: VNE
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn về giá điện. Ảnh: VNE

Làm rõ yêu cầu này của đại biểu Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin, về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho hay mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo nghị định 83, "nhưng giá xăng dầu đang đi đúng hướng. Với cách điều hành này, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
“Dù còn có một số ý kiến chưa thống nhất nhưng theo đánh giá chung, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 đã từng bước đưa mặt hàng này theo giá thị trường và có tính tới yếu tố quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng chia sẻ thêm.
Để làm rõ hơn yếu tố “Nhà nước quản lý”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần, vì giá xăng dầu cũng là yếu tố tác động tới đời sống nên bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng đã sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn giá để trong trường hợp phải tăng giá thì mức tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân và đời sống xã hội.
“Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng điện, xăng dầu nếu biến động sẽ ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân và sản xuất nên chúng tôi sẽ cố gắng vừa thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu của đời sống và sản xuất”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận, điện và xăng dầu là hai mặt hàng hết sức đặc biệt, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng giá 2 mặt hàng này dù ít cũng đều tác động đến cuộc sống của người dân.
“Chúng ta nhất quán thực hiện theo cơ chế thị trường. Riêng với hai mặt hàng này còn có thêm “sự quản lý của nhà nước”. Mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm được giao chủ trì, chúng tôi rất băn khoăn nên chúng tôi cố gắng tính toán rất chặt chẽ, cố gắng không bù giá, làm sao giảm tác động đến người dân”, Bộ trưởng chia sẻ.
Điện là mặt hàng kỳ lạ: Giá cứ tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa
Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu đến từ tỉnh Ninh Thuận) đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương hai câu hỏi. Trong đó, câu hỏi đầu tiên, đại biểu này hỏi về hệ thống lưu thông phân phối sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và thứ hai là vấn đề tăng giá điện.
“Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa, đó là điệp khúc ra đời từ cái thuở khai sinh ra ngành điện lực nước nhà” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương mở đầu câu hỏi thứ hai dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – “Việc tăng giá điện không phải là không có lý và lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi. Vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư, một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ hạ. Khi đó, người dân sẽ được hưởng mức giá ưu đãi nhất. Nói vậy quá đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Vậy bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Ảnh: VNN.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Ảnh: VNN.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, tăng giá điện là vấn đề không mới nhưng luôn là vấn đề đặt ra với Quốc hội và nhân dân cả nước.
“Năm 2013, chúng ta điều chỉnh giá điện vào tháng 8 và trong suốt 2014, chúng ta đã giữ giá điện ổn định. Tháng 3/2015, chúng ta mới điều chỉnh ở mức là tăng 7,5%,” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời vào câu hỏi – “Việc điều chỉnh giá điện đã nằm trong chủ trương của chúng ta – như chúng tôi đã báo cáo – đó là chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quy định về nguyên tắc khi phải điều chỉnh giá điện”.
Nói về giá điện chỉ tăng mà không giảm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải: “Cho đến giờ phút này chúng ta mới chỉ bắt đầu giá bán cao hơn giá thành. Trước đây, do chúng ta duy trì cơ chế bao cấp nên mức giá thấp. Bắt đầu từ 2014, giá bán mới cao hơn giá thành. Tuy nhiên, đây chưa phải giá thị trường”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định “giá điện sẽ không tăng thường xuyên mà sẽ tăng theo lộ trình và theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn đảm bảo yếu tố về xã hội”.
Cũng theo người đứng đầu ngành Công thương, Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên 10% mới báo cáo Chính phủ. Vừa rồi, Bộ Công thương đề nghị 3 phương án (tăng 7,5%; 9,5% và 12%), chúng tôi có tổ tư vấn liên ngành (4 Bộ) tham mưu vĩ mô, nghe ngành điện trình bày và báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện chứ không chỉ có Bộ Tài chính, Công Thương.
Nói về lý do “giá điện chỉ tăng chứ không giảm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích, giá điện hiện nay mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành. Trước đây do duy trì bao cấp, chưa phải là giá thị trường nên giờ phải điều chỉnh giá theo thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trường Hoàng khẳng định, ngành điện không dám tăng thường xuyên theo thị trường mà phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội.​
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tiếp tục chất vấn: “Vấn đề tôi đặt ra là bao giờ xóa được độc quyền trong kinh doanh điện? Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về lộ trình vào năm 2016. Nếu nói 2016 xóa bỏ được độc quyền kinh doanh điện thì rất đáng mừng”.
Đáp từ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2016 sẽ tính giá điện theo cơ chế giá thị trường. Theo kế hoạch, năm 2016 thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, từ năm 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó người mua điện được tự do mua điện của những nhà sản xuất phù hợp với yêu cầu của mình.

Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo