Pháp luật

Bộ Tư pháp yêu cầu Đà Nẵng tự kiểm tra

Câu chuyện về Nghị quyết số 23 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.Đà Nẵng gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2011 nóng trở lại khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp vừa có CV đề nghị Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng “tự kiểm tra” “để làm rõ tính hợp pháp” của Nghị quyết số 23.

Làm rõ tính hợp pháp

Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp, cục đang tiến hành kiểm tra Nghị quyết số 23 ngày 23.12.2011 của HĐND TP.Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2012. Để việc kiểm tra được toàn diện, thấu đáo, ngày 7.2, Cục Kiểm tra VBQPPL đã có CV số 12 đề nghị Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng “cho biết quan điểm của mình trong quá trình thẩm định dự thảo và tự kiểm tra đối với toàn bộ nội dung và thể thức của Nghị quyết số 23”.

Về nội dung cụ thể của Nghị quyết 23, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng nêu rõ quan điểm tập trung vào một số vấn đề: Thứ nhất, điểm 9 khoản III điều 1 Nghị quyết số 23 quy định: “Trong khi chờ xin ý kiến Trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP.Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không nghề nghiệp ổn định”, “đối chiếu với quy định Luật Cư trú năm 2007 như thế nào? Có vấn đề gì về tính hợp pháp hay không?”.

Thứ hai, điểm 4 khoản III điều 1 Nghị quyết 23 quy định: “Từ năm 2012 nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi”. Đề nghị làm rõ “chung cư” quy định tại văn bản này là chung cư gì? Quyền sở hữu của công dân đối với chung cư đó như thế nào? Căn cứ pháp lý nào để quy định như vậy?

Thực thi hay “đứng” trên luật?

Ngay sau khi Nghị quyết 23 được HĐND TP.Đà Nẵng thông qua và chính quyền Đà Nẵng “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú”, dư luận đã phản ánh quy định này là trái với pháp luật về quyền tự do cư trú của công dân. Trần tình trên báo chí, các quan chức TP.Đà Nẵng cho rằng quyết định này không trái luật bởi tại khoản 3, Điều 6, Luật Cư trú quy định: “UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ”.

 Trong khi đó, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định: HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương có thẩm quyền “phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị”. “Như vậy, HĐND TP.Đà Nẵng thực hiện cả hai Luật Cư trú và Luật Tổ chức HĐND và UBND. Về nguyên tắc, hai luật này đều có giá trị pháp lý ngang nhau. Như vậy không có gì là trái luật cả”.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng của TP.Đà Nẵng lại quên rằng, Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng có quy định rất rõ: “Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 3).

Như vậy, một khi HĐND TP.Đà Nẵng thực thi “nhiệm vụ, quyền hạn” của mình mà quên đi rằng quyền hạn đó đã bị giới hạn bởi Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước thì phải chăng HĐND TP.Đà Nẵng đã tự cho mình quyền “đứng” trên luật?   

Theo Đỗ Văn (Lao Động)

 

 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo