Thị trường

Bỏ việc nhà nước, 9X Đà Lạt về trồng vườn dâu chưa ai chê xấu

Từng đảm nhận công việc kiểm định tại Chi Cục Đo lường Chất Lượng của tỉnh Lâm Đồng, nhưng chàng trai 9X Đặng Trung Tuyên ở TP. Đà Lạt đã bỏ việc về nhà trồng vườn dâu tây theo hướng hữu cơ. Vườn dâu tây đẹp "phát hờn" của Tuyên không chỉ mang lại thu nhập cao từ việc bán quả mà còn là địa chỉ cho du khách tới thăm quan...

Được xem là loại cây đặc sản của địa phương, những năm trở lại đây, dâu tây là loại cây đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đặc biệt, nhờ không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, những mô hình trồng dâu theo phương pháp hiện đại được đưa vào áp dụng và kết hợp với mô hình du lịch canh nông đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người nông dân. Điển hình như cách mà anh Đặng Trung Tuyên, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đang thực hiện trở thành mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương.

Vườn dâu mang tên GAU BU được trồng theo phương pháp bán thủy canh theo hình thức hữu cơ của anh Đặng Trung Tuyên tại thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ đang trong thời kỳ thu hoạch… Hàng ngày, vườn dâu này tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tham quan tại vườn. Đến đây, du khách vừa được thỏa thích chụp hình, trải nghiệm công việc hái dâu và thưởng thức chất lượng của trái dâu ngay tại vườn. 

Khác với phương pháp trồng dâu theo kiểu truyền thống là trồng dưới đất hay trồng trên giá thể xơ dừa thì Đặng Trung Tuyên lại cho mình phương pháp trồng dâu bán thủy canh với đầy đủ các dây chuyền sản xuất đảm bảo công nghệ tiên tiến nhất để có được vườn dâu sạch, chất lượng đảm bảo. 

Là giáo viên dạy thêm các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa cho các em học sinh THPT và từng đảm nhận công việc kiểm định tại Chi Cục Đo lường Chất Lượng của tỉnh, Đặng Trung Tuyên đã có kinh nghiệm và những phân tích chính xác cho hàm lượng các khoáng chất để cây dâu tây phát triển và sinh trưởng tốt. Do vậy, bên cạnh giá thể tự phối trộn, chủ nhân Đặng Trung Tuyên còn tự chế biến phân hữu cơ tại chỗ bằng nguyên liệu vỏ trứng gà xay nhỏ và sữa bò tươi với men sinh học để tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dâu tây. 

Trồng theo quy trình canh tác hữu cơ nên những trái dâu tây của Đặng Trung Tuyến căng mọng, mã đẹp và chất lượng cao.

Với những lợi thế nằm trên tuyến đường du lịch gần với các điểm tham quan nổi tiếng như Chùa Linh Phước, vườn hoa Cẩm Tú Cầu nên vườn dâu tây GAUBU là điểm du lịch canh nông hấp dẫn của du khách. Với những thành công ban đầu sau 1 năm trồng thử, chủ nhân vườn dâu GAUBU Đặng Trung Tuyên tiếp tục nhận rộng mô hình. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, vườn dâu GAUBU tiếp tục mở rộng diện tích liên canh tác nhà kính theo hướng hữu cơ thêm 500 m2 để phục vụ nhu cầu du khách tham quan và trao đổi kinh nghiệm cho nông dân địa phương.

Ở tuổi 27, ông chủ trẻ Đặng Trung Tuyên đã quyết định nghỉ công tác ở cơ quan nhà nước để mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình hoàn toàn mới. Trải qua những khó khăn, thử thách và có cả những thất bại để có được thành công như ngày hôm nay. Và mô hình trồng dâu tây mới theo hướng hữu cơ, hiệu quả mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, chàng trai trẻ Đặng Trung Tuyên đã từng bước khẳng định phương pháp và cách làm sáng tạo của tuổi trẻ trên con đường khẳng định thương hiệu riêng của mình. 

 

Nên đọc

Theo Đài Truyền hình Lâm Đồng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo