Tin tức - Sự kiện

Bộ Y tế hướng dẫn điều trị bệnh lạ ở Quảng Ngãi

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị bệnh lạ ở Quảng Ngãi sau khi xác định đây là căn bệnh viêm da bàn tay và bàn chân do nhiễm chất bảo vệ thực vật (chưa rõ loại thuốc gì).

Sau một thời gian khảo sát, đánh giá và chẩn đoán, ngày 7-2, Thứ trưởng Bộ Y tế, tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên cho biết Hội đồng chuyên môn đã xác định đây là căn bệnh viêm da bàn tay và bàn chân do nhiễm chất bảo vệ thực vật (chưa rõ loại thuốc gì).
 

Đồng thời Bộ Y tế đã có hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da bàn tay và bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi.
 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người bị mắc bệnh này thường dát đỏ, dày sừng, khô da ở bàn chân, bàn tay, đầu và kẽ ngón, nhất là vùng tỳ đè và rìa lòng bàn tay, bàn chân. Vùng tổn thương này có giới hạn rõ đối với vùng da lành. Sau một vài ngày thương tổn bong vảy ở giữa để lại viền vảy khô ở xung quanh.
 

Ở một số người bệnh có thể có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt và có cảm giác tê bì ở bàn tay bàn chân, khi tiến hành xét nghiệm cận lâm sàng sẽ cho kết quả men gan (SGOT, SGPT) trong máu tăng cao.
 

Khi mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân này, nếu nhẹ người bệnh còn có biểu hiện tổn thương gan; nặng hơn sẽ tổn thương da, sốt, da, niêm mạc vàng, có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu) hoặc có thể có các biến chứng thứ phát như viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
 

Các đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng gồm trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người già trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người lớn mắc các bệnh mạn tính...
 

Bộ Y tế khẳng định rằng với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải được thông báo kịp thời cho cơ quan y tế tại địa phương; nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Đồng thời tiến hành điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp tích cực tại các đơn vị hồi sức.
 

Việc điều trị bệnh này chia theo hai trường hợp. Với các bệnh nhân ở thể nhẹ có thể điều trị tại chỗ tổn thương da bằng các loại thuốc bôi chống viêm (các loại kem corticoids: Fucicort, Beprosone) vào buổi sáng; bôi thuốc bạt sừng bong vảy (mỡ salicylic 5%) vào buổi tối và kem làm dịu da (Vaseline, hoặc kem kẽm) nhiều lần trong ngày khi da khô.
 

Bên cạnh đó, các bệnh nhân cần nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thêm các vitamin B1, B6, B12 hoặc multivitamin và bồi phụ các chất điện giải nếu có rối loạn kèm theo thuốc bảo vệ tế bào gan (Foxtex, Eganin, Reamberin).
 

Theo đó, đối với những bệnh nhân thể nặng cần chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa để được điều trị tại Hướng dẫn, nhất là đối với những bệnh nhân viêm gan nặng hoặc suy gan... Bệnh nhân chỉ được xuất viện khi hết các triệu chứng trên da, thể trạng ổn định.
 

Với những người chưa mắc bệnh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ; tăng cường rửa tay, chân bằng nước sạch, nhất là sau khi làm việc ở nương rẫy.
 

Đồng thời tránh tiếp xúc với các hóa chất, nhất là các thuốc trừ sâu diệt cỏ; sử dụng các phương tiện bảo hộ an toàn, đúng quy cách khi phải thực hiện các hoạt động trên nương rẫy. Ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh.
 

Sau thời gian khảo sát và nghiên cứu, Bộ Y tế đã xác định có gần 100 trường hợp mắc bệnh viêm da bàn tay, bàn chân tại Quảng Ngãi, trong đó có cả trẻ em với các triệu chứng dày sừng, lở loét lòng bàn tay, bàn chân, có người còn xuất hiện nhiều vết lở loét trên miệng, lưng, bụng, gan bị tổn thương, đã có không ít trường hợp tử vong.

Theo TTXVN/Vietnam+

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo