Văn hóa

Cà đắng - đặc sản nổi bật của quê hương Hoa hậu H'Hen Niê

Từ một món ăn dân dã của người Ê Đê, cà đắng đã trở thành đặc sản trong nhiều nhà hàng, quán ăn tại Đắk Lắk.

Từ hương vị đặc trưng của loại cà này, nhiều đầu bếp đã sáng tạo các thực đơn ngày một phong phú, đa dạng và phù hợp với khẩu vị của thực khách.

Cà đắng trước kia mọc nhiều trên rừng, sau đó được người Ê Đê đem trồng trong vườn nhà như một loại thực phẩm, rau quả. Cà đắng dễ trồng, chỉ cần gieo hạt trên đất ẩm, ngày tưới hai lần, ba tháng sau đã chi chít quả. Quả cà đắng nhỏ và tròn như cà pháo, vỏ có màu xanh sọc trắng, cuống có nhiều gai nhỏ. Đúng như tên gọi, loại cà này có vị đăng đắng rất đặc trưng, có thể dùng ăn sống hoặc chế biến kết hợp với các nguyên liệu khác thành nhiều món ăn hấp dẫn như: cà đắng om ếch, cà đắng xào cá khô, cá đắng nấu thịt. Đối với người Ê Đê, những loại gia vị không thể thiếu khi nấu món cà đắng là lá é, củ nén và ớt cay. Đây là những gia vị đặc trưng làm tăng thêm hương vị cho món cà đắng. Cách nấu món cà đắng cũng khá đơn giản, dân dã.

Bà H Linh Niê, đầu bếp ở Nhà hàng Yang Sing, thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết: “Chúng ta có thể bổ quả cà đắng thành 2, hoặc 4 và sau đó cho vào chậu nước muối. Trong thời gian sơ chế cà đắng, chúng ta có thể nấu nồi nước sôi, cắt xong cho vào nầu chế biến qua cho đỡ đắng. Vì cà đắng ở Tây Nguyên rất đắng. 

Cà đắng vẫn là món ăn dân dã quen thuộc có mặt trong các bữa ăn của người dân Ê Đê.

Ngày nay, cà đắng không còn đơn thuần là một món ăn dân dã trong bữa ăn của người Ê Đê mà trở thành đặc sản được nhiều nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến sang trọng đưa vào thực đơn để phục vụ khách hàng. Trong quá trình chế biến, nhiều đầu bếp sáng tạo để tiết chế vị đắng, vị cay của món ăn sao cho phù hợp với khẩu vị của thực khách.

Chị H Lenna Byă – Quản lý Khu du lịch sinh thái Bến nước buôn Akô Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết: “Chúng tôi chế biến món cà đắng cay là chính và hơi đắng. Vì nếu để đắng, khách sẽ không thích ăn. Ngoài nấu canh, chúng ta có thể om với cá khô hoặc thịt ba chỉ, thịt bò… sẽ rất ngon”.

Trước đây cà đắng chủ yếu nấu với cá khô, về sau có cả các nguyên liệu khác như thịt heo, thịt bò hoặc ếch, lươn, ốc bươu. Có người còn nấu món cà đắng thập cẩm với lòng gà, cá cơm khô sấy, thịt hộp, nấu thành món súp với hương vị độc đáo. Dù chế biến như thế nào món cà đắng vẫn ngon bởi hội tụ đủ các hương vị: Dẻo, thơm, bùi, béo, cay, đắng. Những người ăn cà đắng lần đầu sẽ thấy không quen với vị đắng nhân nhẫn của món ăn, nhưng sau đó sẽ khó quên hương vị của nó.

Vị cay xè của ớt xanh quyện với vị đắng của cà, vị ngọt dịu của thịt khô một nắng hay vị beo béo của thịt ba chỉ nấu nhừ, dầm nhuyễn, cùng với mùi thơm thơm của củ nén và lá é tạo nên hương vị rất lạ mà chỉ có món ăn này mới có. Nhiều người “sành ăn” cho rằng ăn canh cà đắng mà toát mồ hôi hột vì cay mới thực sự là chạm vào nét đặc trưng của ẩm thực Tây nguyên.

Ông Vũ Hoàng Anh, ở thành phố Buôn Ma Thuột, thường xuyên thưởng thức món ăn chế biến từ cà đắng tại nhà hàng Yang Sing, thành phố Buôn Ma Thuột nói: “Tôi đã được thưởng thức món cà đắng của đồng bào rất nhiều lần. Phải nói rằng, nó rất ngon, có âm vị, bản sắc riêng, cay, đắng”.

 

Có người ví von ăn cà đắng như lần đầu uống cà phê, chưa quen nên chỉ thấy vị đắng, nhưng ăn quen thì “nghiện”. Một số người còn cho rằng ăn các món chế biến từ cà đắng có thể chữa được nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì, hay thấp khớp, vì nó đắng như thuốc, nhưng chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này.

Dù vậy, với người dân bản địa, cà đắng vẫn là món ăn dân dã quen thuộc có mặt trong các bữa ăn của họ. Còn với du khách, đây trở thành món ăn có hương vị là lạ, hấp dẫn, khó quên.

Nên đọc
Theo VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo