Hỗ trợ doanh nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0: Mấu chốt là ở “bán hàng”

Quan trọng, ai sẽ là người nắm được khách hàng, kiểm soát được các đầu bán hàng, người đó sẽ quyết định thị trường và sản xuất.

Sản xuất và bán hàng, có lẽ đã là quá quen thuộc với hầu hết các doanh nghiệp lớn, nhỏ và sẽ chẳng cần phải nhắc nhở về tầm quan trọng của nó. Thế nhưng, phải sản xuất và bán sản phẩm thế nào trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ là điều không phải doanh nghiệp nào cũng rõ và có thể làm tốt. 

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, hiện nay chỉ có 25 quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khoảng 90% các nước từ châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Âu – Á được phân loại vào nhóm đang phát triển hoặc ít sẵn sàng nhất cho sản xuất trong tương lai và Việt Nam thuộc nhóm này. 

Ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Báo cáo cũng cho hay, về động lực sản xuất, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới khá kém: xếp hạng 90/100 do hạ tầng công nghệ, chuyển giao tri thức, đầu tư của doanh nghiệp… còn hạn chế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận định sẽ là cơ hội thay đổi rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những tác động từ cách mạng công nghệ số, internet, thương mại điện tử,… sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thuận lợi hơn, đặc biệt là thị trường toàn cầu… 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng, cuộc cách mạng này có tác động ít, hoặc không tác động tới bản thân doanh nghiệp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về những tác động công nghiệp 4.0 đến với mình. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Giám đốc công ty cơ khí SKD thừa nhận, đã nghe nhiều đến công nghiệp 4.0, nhưng hiểu rõ bản chất, ứng dụng điện toán đám mây hay kết nối như thế nào trong sản xuất và bán hàng thì vẫn còn rất hạn chế. 

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX, đơn vị có nhiều kinh nghiệm và hoạt động trong lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử, ông Hùng cho hay, năng suất mang lại từ công nghiệp thế hệ thứ 4 sẽ là rất lớn. 

“Có một thực tế qua quá trình làm việc của Công ty, chúng tôi nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nghe nhiều đến những từ như “vạn vật kết nối, trí thông minh nhân tạo…, nhưng tất cả đều không biết sẽ phải ứng dụng cái gì và ứng dụng như thế nào vào sản xuất, bán hàng của chính doanh nghiệp mình”, ông Hùng nói. 

 

Ông Hùng nhấn mạnh, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì cội nguồn của nó xuất phát điểm từ internet. Đó là mạng kết nối, đồng thời nó tạo ra “thế giới phẳng” trên toàn cầu và cạnh tranh toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ không chỉ cạnh tranh trong một địa bàn nhỏ, một tỉnh, thành nào đó nữa mà là cạnh tranh toàn cầu. 

Với năng suất tăng rất mạnh, trong khi cầu lại ít hơn cung, có nơi, nhiều doanh nghiệp phải đổ bỏ sản phẩm. Lúc này, giá trị của người bán tăng lên và trong hội nhập toàn cầu, người quyết định thị trường không phải người sản xuất nữa mà là người bán hàng. Do vậy, xu hướng phát triển các công ty thương mại điện tử sẽ đi lên và quyết định thị trường. 

Ông Hùng lý giải, nếu như ngày trước sản xuất còn là bí kíp người khác không làm được, như xe máy, điện thoại…, thì giờ đây, điều đó đã không còn. Các sản phẩm được tạo ra có chất lượng, kiểu dáng tương tự nhau. Quan trọng, ai sẽ là người nắm được khách hàng, kiểm soát được các đầu bán hàng, người đó sẽ quyết định thị trường và sản xuất. 

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn tiến hành “xâm chiếm” các đầu bán thông qua internet, siêu thị, toàn bộ các kênh bán hàng online, xâm chiếm toàn bộ các chuỗi bán hàng như Metro, BigC… Khi những “gã khổng lồ” xâm chiếm được đầu bán hàng, các nhà sản xuất trong nước sẽ khó có “cửa” vào hệ thống bán lẻ của họ.

Chẳng hạn khi Alibaba mua thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ đưa hàng của họ vào. Khi doanh nghiệp nước ngoài đã nắm được kênh bán rồi mà Việt Nam không thể kiểm soát, rõ ràng, doanh nghiệp trong nước sẽ không bán được hàng tại thị trường trong nước, mà cạnh tranh quốc tế cũng không khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất sẽ “chết”. 

 

Các doanh nghiệp chia sẻ về các yếu tố tăng cạnh tranh trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Vì vậy, để vào được các kênh bán hàng, doanh nghiệp phải có 3 yếu tố: thương hiệu, chất lượng và giá cả. Doanh nghiệp và cả quốc gia phải xác định được lợi thế của mình. Ông Hùng cho hay, chẳng hạn, sản phẩm của doanh nghiệp không bán được dù chất lượng tốt, doanh nghiệp liên minh với các hãng lớn, thương hiệu lớn, thì lập tức sẽ có người biết đến và có khách hàng. Nếu ở Việt Nam, chúng ta xây dựng một thương hiệu của một công ty hay hiệp hội thực sự đủ mạnh, đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh thì thương hiệu đó cũng có thể cạnh tranh toàn cầu. 

Thứ hai là vấn đề liên minh về chuỗi cung ứng để giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh. Trong liên minh, doanh nghiệp nào mạnh mặt nào thì làm mặt đó, sẽ có tính chuyên nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất.

Đơn cử như ở ngành cơ khí, doanh nghiệp cơ khí lâu nay chỉ cạnh tranh trong nước với nhau đã đủ mệt, nhưng nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ vào thị trường. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Khi doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn cần đến các sản phẩm cơ khí, cần các nhà thầu phụ thì doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau nữa, mà là cạnh trạnh tranh cả với thầu phụ của nước ngoài. 

Do vậy, ông Hùng cho rằng, với quy mô nhỏ, vốn yếu, nếu không có sự kết nối, liên minh để tăng sức cạnh tranh thì sẽ rất khó tồn tại. Việc liên kết, liên minh với nhau không những làm giảm chi phí sản xuất, thương hiệu được nâng lên mà ngay trong việc nhập nguyên liệu sẽ có giá cạnh tranh hơn. Trong việc ký kết các hợp tác sản xuất với đối tác nước ngoài, đấu thầu… các nhóm liên minh sẽ tạo lợi thế hơn… 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp xác định được lợi thế cạnh tranh toàn cầu, nhìn rõ mặt mạnh của mình sẽ hướng tới việc chuyên môn hoá sản phẩm, có giá thành, chất lượng tốt nhất. Đó là điểm cốt yếu để đưa sản phẩm vào các chuỗi sản xuất, bán hàng…

 

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo