Bất động sản

Cần 19 ngàn tỷ đồng xây nhà ở xã hội

Theo dự thảo chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2012-2015, sẽ giúp 500 ngàn hộ nghèo có nhà ở. Tổng lượng vốn dành cho chương trình này 19 ngàn tỷ đồng.

Bộ Xây dựng vừa hoàn tất Dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt và ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2).

Mục tiêu trong giai đoạn này là tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500.000 hộ nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.

Về cơ bản, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 sẽ được thực hiện tương tự như cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đang triển khai theo Quyết định 167 và Quyết định 67, chỉ có một số nội dung điều chỉnh, đặc biệt là mức hỗ trợ và mức vay cần tăng lên để đảm bảo phù hợp hơn với giá cả hiện nay.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng tại tờ trình, tại thời điểm năm 2008 (năm ban hành Quyết định 167) thì giá thành căn nhà diện tích 24 m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên là khoảng 23-24 triệu đồng, trong đó chi phí vật liệu chính khoảng 15-16 triệu đồng, chi phí vật liệu phụ và nhân công khoảng 8 triệu đồng.  Sau 4 năm, đến nay, giá vật liệu xây dựng tăng 64%, chi phí nhân công cũng tăng so với trước.

Như vậy, mức hỗ trợ và mức vay theo quy định của Quyết định 167 đến nay không còn phù hợp, thấp nhiều so với thực tế, nhất là tại những huyện nghèo và những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo tính toán, tại thời điểm hiện nay, để xây dựng căn nhà có diện tích tối thiểu 24 m2, tuổi thọ 10 năm trở lên thì chi phí vật liệu và nhân công khoảng 36 - 37 triệu đồng, trong đó chi phí vật liệu chính khoảng 24-25 triệu đồng, chi phí vật liệu phụ và nhân công khoảng 12 triệu đồng.

Vì vậy, chính sách mới đã điều chỉnh mức hỗ trợ và mức vay phù hợp với hệ số trượt giá, nhất là hệ số trượt giá vật liệu xây dựng để căn nhà có diện tích và chất lượng đảm bảo như quy định tại Quyết định 167.

Để thực hiện được chương trình này, căn cứ mức hỗ trợ, mức vay đề xuất và số hộ thuộc diện đối tượng xác định nói trên, dự kiến tổng cộng vốn Ngân sách Nhà nước cần 5.052 tỷ đồng. Trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.724 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ khoảng 328 tỷ đồng.

Bên cạnh đó với mức vay 15 triệu đồng/hộ thì cần khoảng 7.660 tỷ đồng từ ngân hàng chính sách. Ngoài ra, vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình cần khoảng 6.128 tỷ đồng.

 

 

An Thảo (Theo VnMedia)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo