Tài chính - ngân hàng

Cần cải cách mạnh mẽ ở tầng sâu của nền kinh tế

“Ổn định vĩ mô của Việt Nam hiện nay là chưa bền vững, có dấu hiệu ổn định, nhưng nền tảng của nó bắt nguồn từ tổng cầu bị thu hẹp, trong khi đó cấu trúc nền kinh tế chưa được cải cách một cách mạnh mẽ thông qua chương trình tái cơ cấu, có nhưng chưa thực chất, chưa đi vào cốt lõi nền kinh tế như cải cách sâu và rộng hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp quy mô của họ, sắp xếp, nâng cao hiệu quả, chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào...”.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về những tồn tại của nền kinh tế trong 4 năm qua.
 
Qua việc nghiên cứu về tình hình kinh tế từ năm 2009 đến năm 2012, Ông thấy có đặc điểm gì nổi bật trong giai đoạn này?
 
Trong giai đoạn nghiên cứu từ năm 2009 đến nay, kinh tế Việt Nam có nhiều đặc điểm. Môi trường kinh tế Việt Nam cũng giống như trên thế giới chịu khủng hoảng từ năm 2008, kinh tế trở nên khó khăn, bộc lộ vấn đề bất cập nội tại, trong đó chủ yếu là mất cân đối lớn về vĩ mô. Trước đó chúng ta phát triển theo chiều rộng, các nguồn lực về tín dụng tăng trưởng quá nóng, dễ dãi dẫn đến mất cân đôi vĩ mô. Khi bất ổn vĩ mô ngày càng nghiêm trọng thì ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và đặc biệt sức khỏe của giới doanh nghiệp giảm sút.
 
Tóm lại mấy năm vừa qua kinh tế của nước ta bất ổn vĩ mô, suy giảm chất lượng môi trường kinh doanh và đầu tư, cơ cấu sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp trong đó khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực xuất khẩu đều bị ảnh hưởng, suy giảm…
 
Ông có cho rằng trên thực tế các nhà điều hành đã nhận ra những bất ổn này và đang có điều chỉnh cho dài hạn hay chưa hay vẫn mang tính chắp vá?
 
Các nhà điều hành từ năm 2008 đến nay nhận thức đã thay đổi rất nhiều nhưng không phải toàn bộ, chưa hoàn toàn phù hợp với kinh tế thị trường nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ví dụ những tiến bộ về mặt nhận thức, đó là trước 2008 - 2009 chúng ta không quan tâm đến bất ổn vĩ mô mà quan tâm đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng hiện nay với nỗ lực nghiên cứu chúng tôi đều tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Hiện nay các nhà điều hành chính sách cũng ý thức quan điểm này rất rõ vì khi chúng ta sử dụng công cụ kinh tế vĩ mô thì chúng ta phải tái cơ cấu nền kinh tế. Bất ổn kinh tế xuất phát từ kinh tế vĩ mô, mất cân đối vĩ mô xuất phát từ tăng trưởng, cấu trúc nội tại nền kinh tế. Vì vậy muốn sửa tận gốc rễ là ổn định vĩ mô, nhưng sâu ở dưới là mô hình tăng trưởng của sản xuất, của cách thức xây dựng thị trường phát triển, hình thành môi trường kinh doanh đầu tư vững chắc cho Việt Nam.
 
Thưa Ông, với việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, điều hành linh hoạt chính sách về tín dụng thì hiện nay chúng ta đã đi đúng hướng để bảo đảm kinh tế đạt được sự tăng trưởng hay chưa?
 
Những năm gần đây, đặc biệt là năm trước, lạm phát đã giảm nhiều so với trước đó, điều này chúng tôi đang theo dõi xem lạm phát giảm thực sự hay không? Hay chỉ do giảm giá hàng lương thực thực phẩm hoặc các yếu tố trên thế giới bởi vì kinh tế thế giới suy thoái thì giá sẽ giảm. Bản thân tổng cầu kinh tế Việt Nam suy thoái mạnh cũng làm cho giá giảm. Sự điều tiết về tín dụng rõ ràng trong thời gian gần đây rất cẩn thận về cách điều hành lượng cung tín dụng, góp phần giảm lạm phát, duy trì vĩ mô.
 
Tuy nhiên ổn định vĩ mô bắt nguồn từ cấu trúc nền kinh tế, đi liền với sự lành mạnh của nền kinh tế. Nếu không lành mạnh thì phải sử dụng gói cứu trợ, dùng khoản tiền rất lớn của chính phủ và không thu được thuế…, bị thâm hụt ngân sách, đấy chính là mất cân đối vĩ mô, dẫn đến tương lai lạm phát sẽ quay trở lại. Ổn định vĩ mô của Việt nam hiện nay là chưa bền vững, có dấu hiệu ổn định, nhưng nền tảng của nó bắt nguồn từ tổng cầu bị thu hẹp, trong khi đó cấu trúc nền kinh tế chưa được cải cách một cách mạnh mẽ thông qua chương trình tái cơ cấu, có nhưng chưa thực chất, chưa đi vào cốt lõi nền kinh tế như cải cách sâu và rộng hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp quy mô của họ, sắp xếp, nâng cao hiệu quả, chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào.
 
Tiếp đó giải quyết nợ xấu chưa có được hệ thống chính sách thực sự là nằm trong các doanh nghiệp và hồi sinh sức mạnh doanh nghiệp đó.
 
Bên cạnh đó chi tiêu công của chúng ta bao gồm chi tiêu thường xuyên, chi tiêu cho đầu tư rất lớn, khuynh hướng ngày càng bành trướng, hiệu quả chưa được cải thiện, đi liền với yếu tố xã hội khác như nút thắt về cơ sở hạ tầng về giao thông, giáo dục, nguồn nhân lực. Tất cả những cái đó làm cho nền kinh tế bị cản trở, bị hạn chế năng lực tăng trưởng và sức mạnh của nó.
 
Thưa Ông, vậy để tái cấu trúc nền kinh tế theo nghiên cứu nhóm của ông có cần phải tốn các nguồn lực về tài chính, hoặc là nhân lực thế nào đó hay là chỉ bằng những biện pháp về chính sách?
 
Khi cải cách nền kinh tế chúng ta phải tốn kém các nguồn lực là rõ ràng, nhưng tốn nhiều đến đâu phụ thuộc vào cách làm, ít nhiều tùy tình huống. Nếu chúng ta tạo ra cơ chế mới, chính sách mới, cho phép khơi thông nguồn lực như nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài, cơ chế hợp tác công - tư thì chúng ta đỡ mất nguồn lực thực tế như vốn, tài chính, cơ sở vật chất từ ngân sách, mà ngân sách nguồn lấy từ trong dân. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì nguồn lực không ra, buộc phải sử dụng nguồn lực nhà nước, nguồn lực ngân sách. Nguồn lực này thì lại lấy từ thuế, từ dân thì sẽ tạo sức ép cho nền kinh tế, nền kinh tế sẽ từ từ thu hẹp lại, đây là điều bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
 
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, đã cải cách phải tốn kém nguồn lực tuy nhiên nếu có con đường đúng về mặt thể chế để khai thông, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo của kinh tế thị trường thì như vậy nền kinh tế sẽ phục hồi tốt trong tương lai.
 
Qua nghiên cứu kinh tế Việt Nam suốt 4 năm và theo dõi diễn biến quý I năm 2013, Ông nhận thấy nền kinh tế có điểm gì đáng chú ý, có gì lặp lại so với các năm trước không?
 
- Tôi thấy lạm phát quý I giảm tương đối thấp so với cùng kỳ năm trước bởi vì tổng cầu nền kinh tế đang trong đà đi xuống từ năm trước vì thế sức mua và quy mô với khoản đầu tư mua sắm cho nền kinh tế bị giảm nên lạm phát tương đối thấp. Có thể sắp tới trong tương lai là nền kinh tế có phục hồi nhẹ, đó là điều tích cực, đáng mừng. Tuy nhiên, sự phục hồi đó rất mong manh và chúng ta phải thận trọng để xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế để môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
 
Đồng thời cơ cấu các nguồn lực được cung cấp động cơ để phát huy mạnh mẽ hơn. Điều này đòi hỏi thay đổi thực sự về cơ cấu kinh tế, tư duy về môi trường kinh tế, định hướng kinh tế Việt Nam. Cái này không dễ thay đổi nên tôi cho rằng 2013 có thể có điểm phục hồi nhất định của kinh tế Việt Nam, nhưng sự tăng trưởng mạnh và dài hạn trong những năm tiếp theo thì chưa xuất hiện.
 
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nỗ lực giảm lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay khu vực doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nới lỏng tín dụng sẽ làm lạm phát quay trở lại.  Ông nhận xét gì về những ý kiến này?
 
- Đó là hoàn toàn có cơ sở. Mỗi lần chúng ta nới lỏng tín dụng, đưa ra tín dụng rẻ thì khả năng bùng nổ lạm phát sau đó từ 6 đến 9 tháng là có. Điều này phụ thuộc vào các nhà điều hành bởi nếu không có sự nới lỏng về tín dụng thì doanh nghiệp rất khó hồi sinh. Ở đây phụ thuộc vào thời điểm, quy mô và liều lượng của các chính sách. Thời gian đang tiến triển tiếp, phụ thuộc vào năng lực kiểm soát, liều lượng, quy mô của gói kích thích kinh tế theo thời gian.
 
Cho đến nay chưa nói trước được gì, nhưng nhìn chung sự hỗ trợ của chính phủ, của nhà nước chỉ là một phần, cái chính vẫn là thực chất của nền kinh tế cũng như khuynh hướng chung của kinh tế khu vực, thế giới. Điều này chúng ta tiếp tục phải chờ đợi những cái khởi sắc. Nếu quý II kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tiếp tục thì nửa cuối năm có sự phục hồi vững chắc hơn, nhưng dù có như vậy thì cũng không thể có được đà tăng trưởng như trước đây nữa. Mà muốn kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng lên tầm cao mới và bắt kịp thế giới thì không thể không cải cách thật mạnh mẽ ở tầng sâu của nền kinh tế.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo