Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa thay vì rút giấy phép

(DNVN) - Nhân việc Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tổ chức công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cần sớm hướng đến việc sửa các Luật có liên quan để sao nếu bị nợ, thì cơ quan thuế, hải quan... cứ kiện doanh nghiệp ra tòa giống như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trước kia, không phải không có ý kiến nói cơ quan bảo hiểm xã hội nên làm theo cách của cơ quan Thuế, Hải Quan là đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKDN) và các phòng đăng ký kinh doanh cũng đã nhận được những đề nghị kiểu như vậy. Đến nay, Luật Bảo hiểm xã hội 2014  đã nêu rõ rồi, là kiện ra tòa, vậy các Luật khác thì sao?

Cốt lõi vấn đề là, tuy Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về việc doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể sau khi có Quyết định thu hồi GCN ĐKDN nhưng hầu hết chẳng có doanh nghiệp nào đã bị thu hồi GCN ĐKDN mà lại đi làm thủ tục giải thể cả, đây là một thực tế đáng báo động. Như vậy, dù có thể “treo” nợ nhưng bản chất cuối cùng là nhà nước, chủ nợ sẽ mất đi các khoản phải thu, có thể là rất lớn, trong đó có tiền thuế, tiền thuê đất .v.v. Một số doanh nghiệp bị thu hồi GCN ĐKDN vẫn còn đang nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với người lao động, mang theo hóa đơn bất hợp pháp.... thậm chí lâm vào phá sản, nếu việc thu hồi GCN ĐKDN không thận trọng sẽ có thể gây hậu quả khó lường và khó sửa chữa được.

Ảnh minh họa.

Cũng có không ít trường hợp, dù doanh nghiệp đang nợ “đầm đìa” nhưng khi bị thu hồi Giấy CNĐKDN thì lại lấy lý do, do Nhà nước thu hồi GCNĐKDN nên mất pháp nhân làm ăn để trả nợ??? Cho dù đã có quy định là nếu bị thu hồi GCN ĐKDN mà cơ quan thuế đề nghị cho khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp thì vẫn phục hồi được, nhưng cũng chỉ được trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ra cơ quan đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi GCN ĐKDN.

Lại cũng không phải không có trường hợp doanh nghiệp còn nợ nhiều nghĩa vụ với nhiều chủ nợ nhưng họ có thể không chịu trả và hoặc chưa thể trả được nên làm giải thể không được, phá sản không xong, khi đó có doanh nghiệp chỉ “ước” được thu hồi GCN ĐKDN, sẽ “trốn tránh” khá hợp pháp các nghĩa vụ, trách nhiệm, dù khoản nợ đó vẫn “treo” nhưng hầu như không bao giờ thu hồi được, đó cũng là một thực tế khá tệ hại.

Những vấn đề đáng báo động này rất cần phải được các cơ quan nhà nước có liên quan nhìn thẳng vào sự thật để từ đó đề ra các giải pháp xử lý, tháo gỡ hiệu quả. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy rằng, không phải doanh nghiệp nào có nợ nần cũng là doanh nghiệp xấu, bởi thương trường kinh doanh gian khổ, khó khăn không kém gì chiến trường, nhưng dù bị kiện đòi nợ thì họ vẫn có thể tồn tại, để tìm cách phục hồi, để trả nợ... thay vì nếu đã thu hồi GCN ĐKDN là thu hồi pháp nhân, thu hồi mã số thuế - mã số doanh nghiệp thì họ cũng chẳng có cách gì mà cố sống để mà trả nợ được nữa!

Trong đó, rất cần phải xem lại việc thu hồi GCN ĐKDN liên quan đến kinh tế như nợ (thuế, hải quan...) là các nghĩa vụ dân sự, doanh nghiệp không thực hiện được thì chủ nợ phải đi kiện, với việc thu hồi GCN ĐKDN mà cái gốc của nó không liên quan chính đến kinh tế mà là liên quan đến việc bị vi phạm các điều cấm và các vi phạm mang tính hành chính.

5 tình huống thu hồi GCN ĐKDN mà Luật Doanh nghiệp 2014 nêu gồm: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập; Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án. Điều 62 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì thêm một tình huống nữa là thu hồi theo Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

 

Vì thế, thiết nghĩ đã đến lúc phải quy định, cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các chủ nợ… cần phải kiện các doanh nghiệp còn nợ đọng các nghĩa vụ tài chính ra Tòa, thay vì dùng biện pháp hành chính thu hồi GCN ĐKDN, “chôn sống” doanh nghiệp mà nhà nước, chủ nợ… thì thua thiệt vì không thu được nợ, doanh nghiệp thì không có cơ hội được sống, làm ăn để trả nợ.

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tổ chức công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thế nhưng sau gần một năm luật có hiệu lực, chỉ duy nhất có một cuộc khởi kiện doanh nghiệp do tổ chức công đoàn đứng ra thực hiện. Trong khi đó, tính đến hết tháng 10, số nợ các loại bảo hiểm đã lên đến hơn 14.200 tỷ đồng với hàng trăm nghìn người lao động đang bị ảnh hưởng quyền lợi.
Nên đọc
Lê Xuân Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo