Tin tức - Sự kiện

Cần nhìn nhận đúng về chi phí quảng cáo

Thu nhập doanh nghiệp được xác định bằng cách trừ doanh thu với các khoản chi hợp pháp. Trong các khoản chi sẽ được trừ khi tính thuế thu nhập, thì hiện nay chưa có thống nhất giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong xác định bản chất của khoản chi cho quảng cáo, khuyến mại.
Tại dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (gọi chung là chi phí quảng cáo) nếu muốn trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp thì phải không vượt quá 15% tổng số chi. Theo đại diện Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí quảng cáo nhằm để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Bởi với tiềm lực tài chính mạnh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ có nhiều điều kiện thực hiện quảng cáo, khuyến mại hơn doanh nghiệp trong nước. Quy định này không vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cũng cao hơn so với mức 10% hiện hành.
 
Tuy nhiên, quảng cáo có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của một nhãn hàng và rộng hơn là với một doanh nghiệp. Cạnh tranh trên thị trường hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào nghiên cứu, vào công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá bán sản phẩm. Doanh nghiệp còn phải đầu tư vào các khâu quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, giới thiệu thông tin về sản phẩm... hay còn gọi là marketing sản phẩm. Thực tế trong ngành hóa mỹ phẩm cho thấy, một số thương hiệu từng chiếm giữ thị phần lớn trên thị trường do chưa chú trọng khâu nghiên cứu, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đang dần mất vị thế của mình như nước rửa bát Mỹ Hảo, mỹ phẩm Thorakao, kem đánh răng Dạ Lan... Các thương hiệu truyền thống đang tồn tại và phát triển hiện nay đều do chú trọng thực hiện quảng cáo, quảng bá thương hiệu. Nhưng điều đáng tiếc là chủ yếu do liên doanh hoặc chuyển nhượng vốn cho doanh nghiệp nước ngoài. Rất ít thương hiệu truyền thống do doanh nghiệp trong nước nắm giữ có ý thức chi cho quảng cáo. 
 
Theo dõi tình hình tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nước ta cũng dễ thấy, sản phẩm nào được quảng bá nhiều hơn thì người tiêu dùng sẽ được chọn mua. Tất nhiên, nếu sản phẩm có chất lượng không đúng như quảng cáo, hoặc giá cao hơn chất lượng thực thì người tiêu dùng sẽ không lựa chọn. Nhưng hai sản phẩm có chất lượng, tính năng như nhau thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm nào được cung cấp nhiều thông tin hơn hoặc đã được nghe giới thiệu. Chưa kể, bằng các biện pháp quảng cáo, giới thiệu thông tin đặc biệt, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ với cộng đồng dân cư, góp phần tăng doanh thu bán hàng và xây dựng thương hiệu trên thị trường. Do ý thức được vai trò của quảng cáo với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, các đơn vị đang chi nhiều hơn cho hoạt động này. Số liệu của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho thấy, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, song chi phí cho quảng cáo năm 2011 đã tăng gần gấp 2 lần năm 2008. Cũng nhờ tăng chi cho quảng cáo, mở rộng thị trường, nên doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh. Từ đó, góp phần đưa số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm qua tăng trưởng bình quân 25%/năm, từ mức 52.191 tỷ đồng (năm 2009) lên 129.391 tỷ đồng (năm 2012).
 
Việc khống chế chi phí quảng cáo quá chặt không chỉ tác động đến doanh nghiệp. Bởi người tiêu dùng đang tiếp nhận thông tin về sản phẩm thông qua các hình thức quảng cáo. Mà quyền được nhận thông tin là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng. Chưa kể, người tiêu dùng được tiếp nhận thông tin của nhiều sản phẩm khác nhau thì mới có thể có lựa chọn đúng đắn. Quyền lựa chọn cũng là một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo không chỉ có lợi cho họ, mà cũng góp phần giúp người tiêu dùng sử dụng hiệu quả các quyền cơ bản của mình.
 
Quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu bán hàng và xây dựng, phát triển thương hiệu. Quảng cáo cũng góp phần thực thi hai quyền quan trọng của người tiêu dùng là quyền tiếp nhận thông tin và quyền lựa chọn. Từ những vai trò này cho thấy, cần cân nhắc kỹ càng về xác định mức chi cho quảng cáo được trừ tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo