Pháp luật

Cấp tỉnh đang khảo sát, cấp huyện đã ra chỉ đạo thu hồi?

(DNVN) - Trong lúc UBND tỉnh Nghệ An vẫn đang trong quá trình khảo sát nhưng UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND xã Quỳnh Lâm đã ra văn bản chỉ đạo thành lập ban giải phóng mặt bằng thu hồi đất.

Chúng tôi chỉ mới lập hào xác định ranh giới

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu trong bài viết “Gần trăm hộ dân lo lắng khi bị thu hồi đất đột ngột” nêu lên vấn đề 98 hộ dân xóm 16, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thì từ năm 1980 đến những năm 1994 nghe theo tiếng gọi của địa phương về việc xây dựng vùng kinh tế mới tại đây. Hàng chục năm sinh sống và sản xuất đang ổn định thì ngày 16/10/2015 bất ngờ nhận được văn bản số: 249/UBND xã Quỳnh Lâm về việc thu hồi đất khu vực Hòn Đầm và Hòn Phượng bàn giao đất quốc phòng của Lữ đoàn 16 đang quản lý, sử dụng giao cho Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu quản lý, sử dụng.

Trong lúc UBND tỉnh Nghệ An đang trong quá trình khảo sát nhưng BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu đã cho máy tiến hành múc hào làm ảnh hưởng đến một số cây trồng và nghĩa trang của người dân xóm 16, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Trong khi người dân vẫn đang bất ngờ và lo lắng bởi quyết định thu hồi trên thì BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu đã đưa máy xúc đến thi công đào hào trên một diện tích rộng gây hư hại một số cây cối người dân. Đặc biệt trong lúc thi công máy xúc của đơn vị trên đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các phần mộ của người dân xóm 16 tại nghĩa trang người dân chôn cất lâu nay.

Để làm rõ vấn đề trên phóng viên đã có cuộc làm việc với lãnh đạo BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu. Tại cuộc làm việc ông Nguyễn Ngọc Hà cán bộ BCH quân sự huyện và cũng là người có mặt chỉ đạo máy xúc hào phân chia ranh giới. Tại cuộc làm việc ông Hà có đưa ra được văn bản liên quan đến vấn đề thu hồi đất quốc phòng và đã có chữ ký đóng dấu của cấp chính quyền xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu và BCH quân sự huyện Quỳnh Lưu. Nhưng phần ký đóng dấu của UBND tỉnh Nghệ An và Tư lệnh Quân khu 4 thì vẫn đang để treo chưa được ký và đóng dấu.

Còn UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND xã Quỳnh Lâm lại "cầm đèn chạy trước ô tô" khi UBND tỉnh Nghệ An là đơn vị mới đủ thẩm quyền quyết định vấn đề đất an ninh, quốc phòng đang khảo sát thì hai đơn vị cấp dưới đã ra văn bản thành lập ban giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Khi được hỏi vì sao phần chữ ký và đóng dấu này còn thiếu thì ông Hà giải thích đã xin Tư lệnh quân khu và UBND tỉnh mà ở đây cụ thể là ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhưng vì tờ trình chính thức đang để ở tỉnh đội chưa vào lấy được. Ông Hà có hứa sẽ cung cấp đầy đủ văn bản trên cho báo chí đầy đủ chữ ký và con dấu của các cấp.

Ông Hà cũng cho rằng, diện tích đất được thu hồi thuộc đất quốc phòng của đơn vị lữ 16 nhưng bị người dân xâm lấn lâu nay. Nay được thu hồi về để bàn giao cho BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, để an dân và người dân có thời gian chuẩn bị nên đơn vị này cũng chưa thi công bất cứ công trình nào trên đó. Việc đào hào chỉ là để xác định ranh giới giữa đất quốc phòng và đất của người dân. Còn khu vực nghĩa trang khoanh lại vậy vì theo ý kiến thống nhất của các ban ngành sẽ không cho người dân chôn cất trái phép ngoài diện tích đất trên. Còn những mộ đã được chôn cất sẽ giành thời hạn 3 năm để người dân có thời gian di chuyển đến nơi mới theo quy định.

Còn việc đào trúng mộ sơ sinh như người dân phản ánh thì theo ông Hà nói chưa thể xác định là mộ. Ông cho biết khi máy múc lên chỉ phát hiện một chiếc hộp sắt phía trong có tấm vải nhỏ chỉ nằm cách mặt đất khoảng 30cm. Vấn đề động vào phần mộ của mẹ ông Hồ Văn Sinh theo ông Hà chỉ là do vô tình vì phần mộ nằm khuất kín sau bụi cây và thiếu quan sát của đơn vị thi công!?

 

Ông Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu nói đã yêu cầu máy xúc hào cách lặng mộ tại khu vực nghĩa trang của người dân 7m nhưng trên thực tế hào chỉ được đào cách khu vực lăng mộ của người dân chưa đầy 2m.

Ông Hà cho biết khi thi công thì đơn vị cũng đã yêu cầu đơn vị thi công hào cách xa các phần mộ 7m và không động chạm đến các phần mộ. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nhiều đoạn hào đã được đào chỉ cách các phần mộ chưa đầy 2m.

Ít nhiều phải có văn bản của UBND tỉnh

Để làm rõ hơn vấn đề trên phóng viên tiếp tục có cuộc làm việc với ông Đặng Ngọc Bình, PCT UBND huyện Quỳnh Lưu người được giao xử lý vấn đề trên. Tại cuộc làm việc khi được hỏi vấn đề đất an ninh, quốc phòng phải có ý kiến của UBND tỉnh Nghệ thì cơ sở nào để UBND huyện Quỳnh Lưu ra văn bản chỉ đạo UBND xã Quỳnh Lâm lập ban giải phóng mặt bằng? Ông Bình cho rằng việc chỉ đạo này là dựa vào cuộc họp trước đó giữa lãnh đạo UBND huyện, UBND tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự Quân khu 4 được sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh (cụ thể ở đây là ông Đinh Viết Hồng, PCT UBND tỉnh Nghệ An) có mặt tại cuộc họp nên huyện mới làm văn bản chỉ đạo xã thành lập ban giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý xin được xem văn bản chỉ đạo đó thì ông Bình thừa nhận: “Hôm đó anh Hồng chỉ nói tại cuộc họp chứ chưa có văn bản”.

Trong lúc người dân vẫn đang lo lắng trước quyết định thu hồi đất này nên đã gửi đơn khiếu nại, kiến nghị lên nhiều cấp thẩm quyền nhưng vẫn chưa có câu trả lời thích đáng để người dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt.

Trao đổi thêm vấn đề trên với ông Hoàng Danh Lai, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (ông Lai cũng nguyên là một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An) thì vị lãnh đạo này chia sẻ, vấn đề đất an ninh, quốc phòng ít nhiều đều phải có một văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Nếu xác định đúng là đất quốc phòng nhưng chính quyền đã lỡ cấp cho người dân thì phải có trách nhiệm để giải phóng mặt bằng bàn giao lại quốc phòng. Với đất quốc phòng cấp mới thì phải cấp có thẩm quyền chấp thuận và phải tiến hành các bước giải phóng mặt bằng theo đúng quy trình.

 

Tiếp tục đi sâu vào vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Viết Hồng, PCT UBND tỉnh Nghệ An. Tại cuộc trao đổi ông Hồng thừa nhận có tham gia cuộc họp về vấn đề đất quốc phòng tại Quỳnh Lâm trước đó. Nhưng hôm đó họp không chỉ chắc vấn đề đất quốc phòng tại Quỳnh Lâm mà còn nhiều nơi khác. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, hiện chỉ đang trong quá trình khảo sát chứ cũng chưa ký văn bản nào về việc này.

“Hiện đây mới chỉ đang trong quá trình khảo sát. Còn nếu có thu hồi đất ảnh hưởng đến đất sản xuất, đất ở người dân cũng phải có kiểm đếm, thống kê đầy đủ để bồi thường giải phóng mặt bằng đầy đủ cho người dân”, ông Đinh Viết Hồng cho biết.

Như vậy, mặc dù chỉ mới đang trong quá trình khảo sát và người có trách nhiệm của UBND tỉnh Nghệ An liên quan vấn đề này vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào thì UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND xã Quỳnh Lâm đã có văn bản chỉ đạo thu hồi, giải phóng mặt bằng. Còn BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu thì đã đưa máy vào làm khi chưa có quyết định cụ thể của lãnh đạo cấp trên làm ảnh hưởng đến cấy cối, khu vực đất tâm linh của người dân.

Phải chăng UBND xã Quỳnh Lâm, UBND huyện Quỳnh Lưu và BCH Quân sự huyện Quỳnh Lưu quyết định “trảm rồi mới tấu” khi chưa có phê duyệt của các cấp đủ thẩm quyền.

Trước những vấn đề trên người dân xóm 16, xã Quỳnh Lâm cũng đã làm đơn tố cáo, đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, Bộ chỉ huy Quân sự Quân Khu 4 … Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa có được câu trả lời thích đáng của các cơ quan chức năng.

 

Nên đọc
Xuân Hòa
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo