Doanh nghiệp - Doanh nhân

Câu thơ viết giữa chốn pháp đình…

Mười hai năm của vụ án, chỉ để giải quyết vấn đề ông Túy có lừa đảo 15.000 USD hay không, trong khi các quan hệ hợp đồng, vay nợ đều có văn bản thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện và đặc biệt tài sản đất đai của vợ chồng ông có khả năng đảm bảo lên tới nhiều tỷ đồng ? Đó là chưa kể biết bao công sức, trí lực, tiền bạc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã phải bỏ ra nhằm cố gắng chứng minh hành vi phạm tội của một người, mà Tòa sơ thẩm đã hai lần tuyên trắng án. Những câu hỏi ấy đến nay đã hơn 20 năm vẫn chưa có lời giải đáp. Bỗng nhiên tôi thấy mình cũng chính là một phần của đoạn trường tố tụng ấy, là bài thơ chưa tìm ra câu kết, là đời người chưa đi mà đã đến, ngắn chẳng tày gang…

Ông Đào Quốc Túy (ngụ tại Gò Vấp) đã bị khởi tố, bắt giam từ năm 1996. Sau 2 năm 8 tháng 13 ngày bị tạm giam, sau đó được tại ngoại, đã trải qua 4 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị coi chiếm đoạt là 15.000 USD là khoản tiền đặt cọc thuê nhà xưởng của một người. Cả 2 lần xử sơ thẩm vào  năm 2003 và 2006, Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh đều tuyên không phạm tội, nhưng sau đó Toà phúc thẩm lấy các lý do khác nhau để huỷ án. Đến ngày 27/5/2008, sau gần 1 năm bản án phúc thẩm tuyên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sự “do chuyển biến tình hình” mà hành vi của ông Túy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (?). Vụ án là minh chứng rõ nét tình trạng “hình sự hoá” quan hệ dân sự, để lại trong tôi nhiều cảm xúc, suy nghĩ về thân phận con người không may bị vướng vào vòng lao lý. 

Ông Đào Quốc Túy cùng luật sư bước ra khỏi phòng xử phiên tòa hình sự TAND TP.HCM tuyên ông vô tội lần thứ hai vào ngày 26/9/2006 (Ảnh: Tấn Thuấn)

Tôi nhớ, khi bước ra khỏi phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, tâm trạng của tôi thật sự rối bời. Hai lần trắng án, hai lần Tòa phúc thẩm lấy các lý do không thỏa đáng để tuyên hủy án, đó là một đoạn trường tố tụng dường như không có điểm dừng. Đi ngang qua Tòa sơ thẩm, nghe cô thư ký hỏi thăm, rồi tặc lưỡi nhìn tôi: “Ôi cha, luật sư như anh mà không bảo vệ được kết quả của Tòa sơ thẩm à ?...”. Tôi lặng im không nói được lời nào. Ông Túy nét mặt thảng thốt, nặng nhọc bước đi cạnh tôi, khác hẳn cái ngày, phóng viên Tấn Thuấn của VietnamNet chụp được hình ảnh nét mặt cười rạng rỡ của ông Túy sau phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai được tuyên trắng án. 

Là người bào chữa cho ông Đào Quốc Túy, ngoài việc tìm kiếm các lý lẽ bênh vực và đấu trí trước quan điểm buộc tội, tôi còn phải đối diện với những cung bậc thái độ và phản ứng khác nhau của những người có quyền lợi liên quan trong vụ án. Nhiều người trong số đó cũng hiểu bản chất vụ án này chỉ là quan hệ dân sự, nên sau này, đã chủ động cùng gia đình ông Túy giải quyết những tồn đọng đã phát sinh. Số ít người còn lại, có những lúc đã muốn và thể hiện chấm dứt vụ việc bằng cách bãi nại và thanh lý hợp đồng, nhưng sau đó họ quay trở lại với một quyết tâm không hề thay đổi khi cho rằng ông Túy lừa đảo… Nhân tình thế thái biến đổi theo thời gian, nhưng về phần mình, tôi có bổn phận phải tôn trọng họ, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của họ, cả những khi trao đổi lời nói tại tòa lúc thẩm vấn, cho đến hành động trên thực tế. 

Cầm trên tay quyết định đình chỉ điều tra bị can sau khi Toà phúc thẩm lần 2 huỷ án, thay vì vui mừng trước sự kiện chấm dứt hành trình tố tụng kéo dài mười hai năm, ông Đào Quốc Túy cảm thấy hụt hẫng và thất vọng vô cùng. Bởi lẽ ông thấy có sự không rõ ràng và chậm trễ trong việc công bố quyết định đình chỉ, nhận ra nội dung quyết định của cơ quan điều tra đã thay Tòa án phán quyết ông có tội, nhưng lấy lý do “do sự chuyển biến của tình hình” nên không cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự nữa (?). 

Là một luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự này, khi được ông Túy thông báo về văn bản trả lời khiếu nại của Cơ quan điều tra Công an thành phố, tôi hiểu việc vận dụng tình tiết “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Đào Quốc Túy theo điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn không thỏa đáng. Điều này đồng nghĩa với việc Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Đào Quốc Túy là bị coi là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng do khắc phục hậu quả và do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Vì thế, ông Túy khó có cơ hội đòi bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 của Quốc hội !

Tôi tự hỏi với lòng mình cái gọi là “sự chuyển biến của tình hình” mà Cơ quan điều tra vận dụng nói trên thực chất nó là “tình hình” gì ? Chuyển biến ra sao mà một hành vi trước đây bị coi là tội phạm nay lại không còn nguy hiểm cho xã hội nữa ? Trao đổi với nhiều đồng nghiệp, tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu và thực tiễn xét xử, tôi hiểu tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, chịu sự tác động của nhiều yếu tố, sự biến đổi về các mặt kinh tế- xã hội trong điều kiện đất nước ta đang trong quá trình chuyển hóa thể chế quản lý kinh tế và hội nhập quốc tế. Tất nhiên, trong thực tế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, pháp luật được coi như một công cụ có vai trò đặc biệt quan trọng lại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

 

Nhiều quy định và thiết chế quản lý xã hội chưa ngang tầm với nhiệm vụ duy trì các chuẩn mực nhằm bảo đảm trật tự xã hội là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Khi môi trường xã hội ngày càng phát triển nóng và đa dạng, các tiền đề kinh tế vật chất cho phát triển xã hội đã ở mức độ cao hơn nhiều, giao dịch kinh tế- dân sự ngày càng phức tạp, nên đánh giá về tình hình các mặt của đời sống xã hội như một yếu tố xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đòi hỏi các cơ quan và những người tiến hành tố tụng cần có thái độ khách quan và nhận diện chính xác trong việc xác định có hay không có hành vi phạm tội. Đó chính là cách tiếp cận nhằm tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân nảy sinh tội phạm nhìn từ góc độ xã hội học, đặt trong tổng thể mức độ phát triển các mặt kinh tế- xã hội, khả năng đáp ứng các nhu cầu thụ hưởng về các quyền chính trị, kinh tế, dân sự, trình độ văn hóa và nhận thức về mâu thuẫn trong quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội…Những khi ngồi buồn, tôi lần giở lá thư ông Túy viết cho tôi, với dòng chữ ngay ngắn của một người từng đứng trên bục giảng đường. Ông viết: “Đến giờ này, tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tôi đến gặp luật sư và được dự báo về một tiến trình tố tụng cam go, nhưng quả thật tôi không ngờ nó lại kéo dài đến thế ? Những ngày tháng trong trại tạm giam vẫn ám ảnh tôi. Nhiều lúc, cứ nghĩ đến là tôi lại rùng mình. Quãng thời gian mất tự do đã làm cho tôi không còn niềm tin vào công lý… Nhưng rốt cuộc, nếu kiện đòi bồi thường oan sai, liệu tôi có được giải oan ? Tự nhiên, tôi thấy mọi sự trở nên vô nghĩa. Ngay cả khi tôi được giải oan, làm thế nào có thể bù đắp những mất mát, đau đớn cả về thể xác và tinh thần mà gia đình tôi đã phải gánh chịu thời gian qua ?…Luật sư biết không, thật sự tôi gần như không có một giấc mơ nào khi ở trong Trại tạm giam. Cấu trúc của các phòng giam khiến cho mọi cảm xúc đều bị đè bẹp xuống… Có một khoảng thời gian ở trạm xá tôi dễ thở hơn một chút, cán bộ trại hiểu về vụ án của tôi nên cũng có cái nhìn thông cảm. Mỗi đêm về, tôi nghe thấy tiếng ếch nhái vọng vào từ bên ngoài, nghe như từ cõi xa xăm vậy… Chỉ một cánh cửa căn phòng, một tường rào với hàng rào kẽm gai thôi mà ranh giới của tù tội và tự do cách xa nhau đến thế. Nói về những điều đó chỉ thêm xót xa thôi, luật sư ạ ! Bản thân tôi cũng không muốn gợi lại những ký ức đau buồn đó. Còn những suy nghĩ về công việc của luật sư ư ?

Những nỗ lực của luật sư đã dành cho cá nhân tôi và gia đình suốt những năm qua, công lao đó không có gì so sánh được ! Nhưng tôi chỉ nhớ nhất cái cảm giác kỳ lạ sau mỗi lần được gặp luật sư, bởi qua các câu chuyện trao đổi, những thông tin được cung cấp và những công việc chuẩn bị tỉ mỉ cho mỗi phiên tòa đã làm vơi đi rất nhiều những lo lắng của tôi. Đó là nguồn động viên vô giá. Tất nhiên, có những lúc tôi cũng bi quan, mất niềm tin, nhất là sau khi đối diện với cáo buộc tội trạng phi lý. Tôi biết việc khiếu nại của tôi cũng sẽ chẳng đi đến đâu, nhưng còn những đứa con, cái nhìn của xã hội về cách mà người ta đình chỉ điều tra đối với tôi ? Một cái gì đó thật nghiệt ngã, cay đắng…

Vào cuối năm 2014, tôi cùng LS Nguyễn Minh Tâm được mời tham gia với tư cách chuyên gia Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát tình hình oan, sai tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Theo đề nghị của bà Lê Thị Nga- lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tôi đã chính thức photo hồ sơ và trình bày trực tiếp vụ việc oan, sai của ông Đào Quốc Túy, sau đó được đề cập trong báo cáo đánh giá của Đoàn Giám sát, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Đem nỗi buồn ấy tâm sự cùng luật sư Nguyễn Minh Tâm trong một đêm cuối năm ở căn nhà gỗ mộc mạc bên sông Sài Gòn- nơi tôi thường về nghỉ cùng gia đình, tìm kiếm những câu chữ cho từng trang viết, tôi nói: “Không biết thật sự mình có quá cứng nhắc không, chứ cứ đụng vụ nào là đi theo khách hàng cả chục năm trời thế này thì khổ quá…”. Luật sư Tâm bảo cái ngày ông rời khỏi Viện nhà nước và pháp luật ở Hà Nội, gồng gánh cả gia đình vào miền Nam, đâu biết rồi một lúc nào đó mình sẽ trở thành luật sư ! Mặc dù ông vào khóa đầu tiên của Đại học Luật sau khi đi bộ đội về, nhưng tôi có dịp được học cùng ông năm cuối, vì một biến cố hy hữu của đời ông khi thay mặt cho sinh viên đấu tranh cho sự tồn tại của Khoa pháp lý ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này tôi và Ban Biên tập báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh mời được ông về làm việc, hành nghề cùng nhau, ông cũng hay quan tâm đến một số vụ việc mà tôi nhận trách nhiệm bào chữa… Đôi khi, tôi hay kể ông nghe về những ám ảnh từ những giấc mơ thấy mình đang lội ngược những dòng nước chảy xiết, vượt lên những đồi dốc chênh vênh trên núi cao, hay cố vẫy vùng trước cơn sóng lừng bất chợt ập xuống…Ông bảo, người ta nói giấc mơ thường không có thật, nhưng nó là phần khuất nẻo không ai nhìn thấy, trong tâm thức của người hành nghề luật đang còn nhiều trở ngại, khó khăn, như hiện ra từ trong ký ức xa xưa vậy…

Luật sư Phan Trung Hoài (trái) và luật sư Nguyễn Minh Tâm tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát ngày 18/12/2014 tại trụ sở UBND TPHCM - Ảnh: Khánh Vương

 

Nhân nói về vụ án này, ông tâm sự: “Anh có theo dõi thông tin trên báo chí về vụ án này, thấy nghề luật sư chịu nhiều áp lực quá… Bữa ông Túy được tuyên trắng án lần thứ hai, anh có viết bài thơ đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng đề tặng Hoài, có muốn nghe lại không ?”. Vừa nói, ông vừa trầm ngâm nhìn chiếc xà lan đang lợi dụng con nước ròng chở đầy cát khó nhọc ngược dòng sông, phía trên mũi tàu kéo là chiếc đèn chiếu lọt thỏm trong đêm, rồi cất lên giọng ngâm thơ đặc chất châu thổ sông Hồng... 

Nhìn thân chủ được minh oan

Từ trong hốc mắt hai hàng lệ rơi

Mười năm kêu thấu đất trời

Bao nhiêu oan khuất một thời đã qua

 

Xác thân dù có về nhà

Giọt đau còn đọng đến già chưa khô

Lửa oan vẫn cháy đến giờ

Sém loang cả những câu thơ giữa đời

Đường nghề hun hút xa xôi

 

Lòng riêng một nỗi buồn vui nhân tình

Câu thơ viết chốn pháp đình

Nửa mừng thân chủ, nửa dành cho ta…

Nghe đến đây, tôi rùng mình khoác vội lên người chiếc áo choàng trước cơn gió thổi mạnh từ hạ lưu. Tôi tự hỏi mình, khi bước trên con đường gập ghềnh, trăn trở của nghề, có lúc nào tâm trạng mình được bình an ? Chạnh lòng, tôi lại nhớ đến bài thơ của một bạn đồng nghiệp đã đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, với hai câu kết thật đau đáu:

Đời đời mãi mãi nhắc nhau

 

Luật sư – công lý – nỗi đau nhân tình.

Nên đọc
Bút ký của Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo