Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Nguyễn Huy Hoàng: "Để khởi nghiệp và sinh tồn thì không được nản chí"

Cách mà Alobase hiện diện trên thương trường có thể nói là khôn khéo vượt trội: Đầu tiên là xây dựng ý tưởng và cộng sự, tiếp đến là phát quang ý tưởng tại một cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu, rồi hiện thực hóa ý tưởng thành một doanh nghiệp.

Để tự tin so tài cùng “thiên hạ”

PV: Tháng 4/2017, truyền thông đã nhắc đến Alobase khi lot vào Top 5 startup của Viet Challenge 2017. Bây giờ, tôi muốn hỏi sâu thêm về câu chuyện anh và cộng sự đã chuẩn bị như thế nào để “ý tưởng là một dự án trở thành công ty”?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Thú thật là sau cuộc thi, việc đầu tiên chúng tôi làm là bảo nhau dành nhiều thời gian để tự thay đổi bản thân trước thời cuộc mới, vì thực ra làn sóng công nghệ không hẳn là dành cho tất cả mọi người. Việc phải thay đổi về tư duy, kĩ năng lãnh đạo của bản thân là rất cần thiết, nhất là muốn phát triển công ty ra thị trường quốc tế. Alobase team đã vạch ra tầm nhìn và sứ mệnh chung là “Cùng bạn xây ước mơ”, ước mơ ở đây có thể hiểu là một tổ ấm mà mọi gia chủ hài lòng. Sau khi Alobase đã xác định được mục tiêu và sứ mệnh của mình, tôi nghĩ việc trở thành công ty là điều tất yếu. Việc tiếp theo cần làm là duy trì văn hóa lõi cho mọi thành viên trong công ty thực thi.

Từ trái qua phải: Mai Thế Vinh và Nguyễn Minh Cường, hai thành viên của Alobase thuyết trình tại VietChallenge 2017. (Ảnh: NVCC).

PV: Cốt lõi văn hóa mà Alobase xây dựng là gì, thưa anh?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Đó là “Lắng nghe - Học hỏi - Đổi mới - Làm việc nhóm - Kết quả.

PV: VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên dành cho người Việt trên khắp thế giới do Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phát động, với một mục tiêu rõ ràng là: hiện thực hoá những ý tưởng kinh doanh nhắm vào việc giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Thú thật, khi mang Alobase đi chinh chiến tại cuộc thi này, nhóm của anh đủ tự tin để so tài cùng “thiên hạ” chứ?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Cuộc thi có quy mô toàn cầu nên có rất nhiều đội mạnh. Trước khi cuộc thi diễn ra, Alobase.com đặt mục tiêu cọ xát và mang hình ảnh sản phẩm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã vượt qua vòng loại thì cả nhóm đều quyết tâm cao để dành chiến thắng. Có hai lý do để quyết tâm! Một là, càng thi, chúng tôi càng “máu”- đây cũng là tính cách chung của các thành viên trong nhóm. Tôi nghĩ đây là điểm mạnh cần có của startup, bên cạnh việc có vốn tiếng Anh thành thạo để thuyết trình, quảng giao. Hai là, sản phẩm ngày càng hoàn thiện qua các sự thẩm định, đánh giá từ các cố vấn. Hơn nữa, Alobase đã có ngay doanh thu khi tham gia thi, vì thế sự tự tin càng được củng cố.

Khởi nghiệp với bước đi tiên phong

 

PV: Việc lọt vào Top 5 của Viet Challenge 2017 là niềm hứng khởi để Alobase bước vào con đường khởi nghiệp. Sau hơn 1 năm vận hành Alobase.com, hiện tại dịch vụ này được đánh giá như thế nào?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Sau gần 1 năm kể từ đêm chung kết Viet Challenge 2017 ở M.I.T Boston (Mỹ), nhóm chúng tôi đã dành thêm rất nhiều thời gian để trau chuốt sản phẩm, xây dựng đội ngũ cũng như lắng nghe các tâm tư từ khách hàng. Cái được của Alobase.com là các khách hàng đã nhanh chóng chỉ ra những lỗi trong sản phẩm, cũng như đưa thêm các vấn đề mới trong ngành kiến trúc, xây dựng để cả nhóm cải thiện.

Nguyễn Huy Hoàng, CEO của Alobae. (Ảnh: NVCC).

PV: Bằng cách nào Alobase thu hút được hơn 400 kiến trúc sư tham gia như hiện nay?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Bản chất của Alobase.com là nền tảng kết nối các khách hàng với nhà thầu xây dựng, kiến trúc sư ưng ý nên các đơn vị này sẽ có thêm kênh thu nhập mà ngân sách quảng cáo thì nhỏ hơn so với facebook, google. Đó chính là điểm thu hút được nhiều đơn vị tham gia. Nỗi trăn trở nhất với các đơn vị kiến trúc, họa sĩ hay nhà thầu xây dựng có lẽ là tối ưu ngân sách quảng cáo và chi phí duy trì công ty.

PV: Cũng như bằng cách nào, Alobase xác tín được chất lượng của đội ngũ kiến trúc sư này?

 

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Alobase xây dựng và áp dụng một số chuẩn ở quốc tế cho việc lựa chọn các kiến trúc sư, chúng tôi áp dụng thuật toán lọc chuyên sâu để đẩy nhanh quá trình này. Ngoài ra, bên mình cũng áp dụng quy trình riêng để xác định các công trình từng làm của các nhà cung cấp dịch vụ. Mục đích là lọc ra những nhà cung cập có năng lực tốt nhất, giá tốt nhất so với nhiều đơn vị trôi nổi trên thị trường. Có như vậy, khách hàng mới yên tâm với từng nhà cung cấp mà khách hàng nhận được qua hệ thống Alobase.com.

PV: Theo chủ kiến của anh, Alobase có thể đi tiên phong ở mảng kết nối dịch vụ xây dựng- kiến trúc được không? Và để xứng là tiên phong trong lĩnh vực này, CEO sẽ hoạch định hướng phát triển của Alobase như thế nào?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Alobase hiện đã là đơn vị tiên phong trong mảng kết nối xây dựng kiến trúc ở Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các mạng lưới, quỹ đầu tư và quan trọng nhất năng lực lập trình. Các lập trình viên của Alobase.com đều tốt nghiệp những trường danh tiếng và đa số đều từng là những chuyên gia có thâm niên hay gián đốc công nghệ của các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vị thế đó thì là bài toán không hề đơn giản vì thị trường nào cũng tồn tại nhiều đối thủ, đặc biệt là lĩnh vực này vốn rất cạnh tranh. Nếu nhìn ra ngoài biên giới Việt Nam thì còn nhiều đối thủ hơn vì nhiều đơn vị đã làm mô hình tương tự. Alobase.com đang dành nguồn lực để R&D các công nghệ mới mà có khả năng sẽ bùng nổ trong ít năm tới. Ví dụ như blockchain. Và chúng tôi sẽ hỗ trợ để các nhà thầu, đơn vị kiến trúc bắt kịp công nghệ. Các nguồn lực còn lại sẽ hướng tới việc mang đến cho khách dịch vụ tốt nhất, số lượng nhân sự có lẽ sẽ cần tuyển thêm 10-20 nhân viên tài năng nữa để sớm mở rộng quy mô ra toàn cầu.

Những thành viên của Alobase thường xuyên có những ngày làm việc tới khuya tại công ty khởi nghiệp (Ảnh: NVCC).

PV: Theo anh, khi người trẻ khởi nghiệp, cần hội tủ đủ những yếu tố gì?

 

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Đầu tiên, để khởi nghiệp và sinh tồn được trong giai đoạn đầu là phải kiên trì, không nản chí. Làm startup nhanh nản lắm, có khi phải 2 đến3 năm sau mới thấy kết quả mà mình từng hình dung, nhất là với một số lĩnh vực đòi hỏi thời gian nghiên cứu và chất xám lớn.

Tiếp đến là khả năng học hỏi, vì từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình liên tục điều chỉnh và thích nghi. Thích nghi với thị trường, với nhà cung cấp, với đội ngũ, với nhà đầu tư, nếu không có khả năng tự học và lắng nghe thì chắc chắn sẽ không thể trụ lại được.

Tôi không nghĩ có ai sẽ trung thành với dự án nếu bản thân nhà sáng lập không lắng nghe ý tưởng từ anh em trong nhóm và lại sẽ càng chẳng thể hiểu khách hàng nếu phớt lờ những nhu cầu và nỗi trăn trở của họ. Ngoài ra, khả năng về luật pháp, tài chính và làm việc nhóm cũng rất quan trọng.

CEO Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Minh Cường-một cổ đông sáng lập của Alobase (Ảnh: NVCC).

Vẫn thường “soi gương” những startup “đột tử”

PV: Anh có thường theo dõi và cắt nghĩa vì sao một startup gọi vốn thành công lại “bỗng dưng đột tử”? Những hiện tượng khởi nghiệp như thế liệu có để lại bài học nào cho một CEO trẻ như anh?

 

CEO Nguyễn Huy Hoàng:Tôi đã chứng kiến nhiều startup gọi vốn thành công vẫn chết như thường, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, số này thực ra là rất nhiều. Bài học mà mình có được từ những câu chuyện đó là cung cấp sản phẩm ra thị trường mà chẳng ai cần. Sản phẩm đã gọi được vốn bao giờ cũng có chất lượng nhất định nhưng cần xác định rõ thị trường đang cần gì. Việc xác định rõ thị trường cần gì quyết định sự tồn tại của start-up.

Tiếp nữa, là sự bất hòa trong đội ngũ. Người Việt Nam, theo quan sát của tôi, làm việc độc lập thì khá ổn nhưng cứ làm chung một đội là sẽ trục trặc nên không bằng các công ty khởi nghiệp của nước ngoài. Đây có thể là do người sáng lập chọn sai tính cách của các thành viên khi chiêu mộ vào startup. Alobase có thuận lợi hơn đôi chút khi những co-founder đã có thời gian teamwork cùng nhau, mọi người cũng có những thế mạnh riêng và biết lắng nghe người khác đủ để khi ghép lại thì đội ngũ cân bằng, đây cũng chính là văn hóa doanh nghiệp của Alobase.

PV: Một câu hỏi có vẻ hơi ngoại lệ một chút: Anh thích uống café chứ? Bản thân anh có suy nghĩ như thế nào về những thông điệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong lần tái xuất mới đây, sau 5 năm ẩn cư thiền định "trên núi thiêng M’drak"?

CEO Nguyễn Huy Hoàng: Tôi khá ít uống Café, đa phần vào quán café mình gọi sinh tố. Vì là hậu bối trong giới kinh doanh và lại cũng không kinh doanh cùng ngành nên mình khó thể đưa ra nhận xét về anh Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi tái xuất, mặc dù có nghe báo chí nói rằng anh đang cố gắng biến café Trung Nguyên thành “Đạo” và muốn thực khách là “Tín đồ”.

Nhưng đã là “Đạo” thì có rất nhiều chứ không bao giờ chỉ có một “Đạo” vì con người sinh ra mang những hệ tư tưởng khác nhau, rất khó áp đặt. Ví dụ, như tôi chắc không thể trở thành tín đồ café Trung Nguyên được vì ít uống café lắm. Có thể, anh Vũ muốn học Apple là tạo ra nhiều “Ifan”. Nhưng kể cả Apple nếu không liên tục tự nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra sản phẩm mới, dám hy sinh cái cũ để đi theo dòng chảy của thời đại mới thì sớm muộn cũng bị đào thải. Khi sản phẩm Trung Nguyên vẫn chưa thể cạnh tranh dẫn đầu với các đối thủ cùng ngành- điều mà Apple làm rất tốt- thì có lẽ Trung Nguyên thay vì cố tạo ra “Tín đồ” thì nên dành thời gian để hiểu khách hàng và làm sản phẩm sáng tạo, uống café theo một cách khác chẳng hạn. Làm được thế, tôi nghĩ “Tín đồ “ sẽ tự xuất hiện.

 

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nên đọc
Theo Thế Giới Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo