Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chàng kỹ sư thu trăm triệu mỗi tháng từ bán bánh cuốn

Tốt nghiệp chuyên ngành Điện - Điện tử, Nguyễn Đình Chính lại chọn khởi nghiệp bằng món ăn đặc sản quê hương, đạt doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Xuất hiện không lâu, nhưng cửa hàng bánh cuốn Tây Sơn trên đường Phạm Văn Đồng (Gò Vấp, TP.HCM) khá đông. Đa phần thực khách là giới trẻ, hoặc những người quê gốc Bình Định, Phú Yên. Điều thú vị ở quán là đồng phục của nhân viên. Đã có một chút cách tân, nhưng có thể dễ dàng nhận ra đây là trang phục của lính Tây Sơn ngày xưa.

Quán phục vụ các món ăn miền Trung như bánh hỏi nem nướng, chả ram tôm đất, tré trộn xoài... nhưng món chính vẫn là bánh cuốn Tây Sơn. Bánh có hình thức giống như món gỏi cuốn quen thuộc nhưng phần nhân được từ đa dạng các nguyên liệu như chả ram, thịt nướng, bò nướng lá lốt, nem chua, trứng luộc, dưa leo, rau sống... Bánh cuốn đúng kiểu người Bình Định khá to, gần bằng một ổ bánh mì ngọt, ăn kèm với nước chấm đặc biệt theo công thức riêng của quán.

Không gian cửa hàng bánh cuốn Tây Sơn vào một chiều muộn.

Là vùng đất nhập cư, Sài Gòn không thiếu những quán ăn thiết kế theo đúng nét văn hóa ẩm thực của từng vùng miền. Nhưng điểm đặc biệt là chủ quán còn rất trẻ.

Sinh năm 1991, Nguyễn Đình Chính là người con xứ "nẫu" chính gốc. Năm 2009, Chính vào Sài Gòn theo học chuyên ngành Điện - Điện tử tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Nhưng ra trường, chàng trai trẻ từ chối những cơ hội theo nghề để kinh doanh món ăn đặc sản quê hương.

Ý tưởng này bắt đầu từ lúc sinh viên, trong quá trình bươn chải làm thêm hết nghề này đến nghề khác để trang trải sinh hoạt phí. Và cậu nhận ra ẩm thực là lĩnh vực kinh doanh rất sôi động tại TP.HCM.

"Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản món ăn quê mình rất ngon, nên chắc ai cũng sẽ thích. Hơn nữa, đi làm thêm nhiều, mình cũng muốn liều để làm một cái gì đó cho riêng mình", Chính kể lại.

Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ quay lại quê nhà, tìm thầy dạy cách chế biến món bánh cuốn Tây Sơn. Ở quê cậu, gần như nhà nào cũng biết món này, nhưng chỉ có một số người thành danh. Chính tìm đến một người bán bánh cuốn ngon có tiếng tại địa phương và xin được "truyền nghề". Cậu nhớ rõ ngày đầu đặt vấn đề xin học đã bị cô chủ quán bảo "khùng" vì tốt nghiệp đại học mà đòi đi bán bánh cuốn. Ngay chính các con cô cũng không ai chịu theo cái nghề vất vả này.

 

Công thức chế biến ở quê đậm chất miền Trung với vị cay và mặn quá so với đa phần khẩu vị của người dân Sài Gòn. Để có được công thức chế biến món nước chấm như hiện tại, Chính còn phải mất thời gian dài để nghiên cứu, điều chỉnh. Đến độ, thời điểm đó, chàng trai đi đến đâu cũng bị bạn bè chọc là người đầy mùi nước mắm.

Khó khăn tiếp theo của Chính là không có tiền. Học xong đại học, cậu vẫn còn nợ khoản vay thời sinh viên. Hàng ngày, Chính đi tìm bạn bè, anh chị quen biết để chia sẻ ý tưởng mong tìm được người tài trợ kinh phí để thực hiện kế hoạch. Nhưng nỗ lực của cậu được đáp lại bằng những cái lắc đầu. Nhiều người còn khuyên Chính đừng cố khởi nghiệp, mà hãy đi làm, kiếm tiền và kinh nghiệm trước. May mắn, cuối cùng một người thầy đồng ý bỏ vốn 60 triệu đồng cho Chính khởi nghiệp.

Với số tiền này, cậu mày mò đến một con hẻm ở quận Tân Phú để thuê mặt bằng mở cửa hàng nhỏ. Toàn bộ số tiền được chi để sang nhượng mặt bằng, mua sắm thêm bàn ghế và trang trí cửa hàng.

Chàng kỹ sư Nguyễn Đình Chính khởi nghiệp với món bánh cuốn.

Lúc đầu, quán chỉ bán bánh cuốn Tây Sơn, nhưng về sau mở ra bán cả nước mía, trái cây. Cứ thấy cái gì bán được là Chính mở ra nhưng càng bán càng lỗ. Đến tháng thứ 7, cậu phải sang nhượng lại mặt bằng vì không gồng gánh thêm chi phí được nữa. 

Năm ấy, Chính về quê ăn Tết trong tình trạng "không xu dính túi", phải mượn bạn bè tiền mua vé về quê, rồi lại xin ba mẹ tiền xe trở vào. 

 

"Ra trường ròng rã vẫn không làm được gì. Bạn bè đi làm, tết về có tiền, có quà cho ba mẹ. Còn mình vẫn tay không. Áp lực vô ngàn", Chính nhớ lại.

Trở lại TP.HCM sau cái Tết đó, Chính quyết định xin việc làm để có tiền sinh sống, không để ba mẹ phải lo lắng. Nhưng những ngày làm việc 8 tiếng với cậu như kéo dài bất tận. Hơn nữa, trong lòng chàng trai trẻ vẫn còn hậm hực: Tại sao mình làm đến đó mà vẫn thất bại?".

Chính lần tìm các tài liệu và khóa học khởi nghiệp trên Internet và nhận ra rằng mình đã kinh doanh kiểu quá "lạc hậu". Cậu cứ nghĩ đơn giản món ăn mình ngon, rồi mở cửa hàng và chờ khách đến. Trong khi, sản phẩm của cậu vẫn còn quá xa lạ với thị trường. Vốn đầu tư ban đầu đổ vào những thứ không quan trọng như mặt bằng, bàn ghế... thay vì quảng bá, tìm kiếm khách hàng.

Vậy là chỉ sau 9 tháng, Chính bỏ việc và khởi nghiệp một lần nữa. Lần này cậu thuê một phòng trọ nhỏ, vừa để ở vừa để chế biến thực phẩm và tận dụng các mạng xã hội, phát tờ rơi để bán hàng giao tận nơi.

Suốt một tháng đầu, Chính chỉ giao được khoảng 8-10 cuốn bánh mỗi ngày, với giá từ 15.000 đồng một cuốn. Cậu vừa tự đi chợ, chế biến rồi đạp xe đi giao hàng ở khắp nơi.

 

"Mình nhớ có lần đạp xe từ đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) đến Đại học Bách Khoa (quận 10) để giao bánh. Đến nơi, mồ hôi ướt như tắm. Nhiều lúc nghĩ lại mình không hiểu sao thời gian đó có thể làm được như vậy", Chính cười hiền lành.

Bằng cách đó mà khách hàng của cậu kỹ sư ngày càng nhiều hơn. Có thời điểm, căn phòng trọ nhỏ của cậu tạo được việc làm bán thời gian thường xuyên cho 3 sinh viên khác. Sản phẩm của cậu xuất hiện tại các phiên hội chợ hàng tuần của quận, rồi các hội chợ quy mô lớn hơn. Lượng khách cũng ngày càng đông.

Cuối năm 2017, nhiều người khuyên và ủng hộ Chính mở cửa hàng phục vụ khách tại chỗ. Điều này khiến cậu suy nghĩ rất nhiều, vì lo sợ vào vết xe đổ lần trước. Cuối cùng, cậu cũng mở cửa hàng đầu tiên một cách thận trọng với chỉ 7-8 bộ bàn ghế nhỏ.

Ngay từ những ngày đầu khai trương, lượng khách đến với quán đã khiến chàng trai bất ngờ. Quán nhanh chóng phải chuyển sang thuê mặt bằng lớn hơn để đủ chỗ tiếp khách. Hiện tại, Chính tính đến việc mở cửa hàng thứ hai và có thêm 5 đại lý nhượng quyền ở khắp nơi tại TP.HCM. Doanh số cả hệ thống trung bình đạt 400 triệu đồng mỗi tháng.

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Chính tự đúc kết cho mình điều quan trọng nhất là mục tiêu và kiên trì. Nếu không giữ vững hai yếu tố này, có lẽ một lúc nào đó, cậu đã lạc mất những quả ngọt ngày hôm nay.

 

"Trong kinh doanh cũng như cuộc sống chúng ta đều xảy ra những vấn đề. Việc của chúng ta là giải quyết những vấn đề ấy và vượt qua nó. Người càng gỡ được nhiều vấn đề thì càng trưởng thành", chàng kỹ sư chia sẻ.

Nên đọc

Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo