Xã hội

Cháy lớn tại KCN Trà Nóc, Cần Thơ: Ai chịu trách nhiệm?

Từ vụ cháy gần 1.800m2 nhà xưởng tại khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ gây thiệt hại ban đầu ước tính 6 triệu USD, nhiều người đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm với thiệt hại?.

Đến trưa 24/3, sau hơn 24 giờ bùng cháy dữ dội, đám cháy ở Công ty Kwong Lung - Meko (chuyên về may mặc, thuộc Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) đã được khống chế, chỉ còn âm ỉ bên trong. Hàng trăm cảnh sát vẫn đang nỗ lực dập tắt hoàn toàn đám cháy, ngăn không cho bùng phát trở lại, theo tin tức trên báo Vnexpress. 

Vụ cháy thiêu rụi 18.000m2 nhà xưởng Ảnh VNE.

Toàn bộ hai dãy nhà 5 tầng của công ty rộng hàng nghìn mét vuông bị thiêu rụi, sập đổ. Đây được cho là vụ hỏa hoạn lớn nhất tại Cần Thơ từ trước đến nay.

Trong nhà xưởng, nhiều kiện hàng, từng đống lông vũ cháy đen, bay mùi khét. "Theo phía công ty vào chiều qua, ước tính thiệt hại về nguyên liệu trong vụ cháy khoảng 6 triệu USD, số nguyên liệu này công ty mới nhập về để phục vụ sản xuất", đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ - cho biết.

"Công ty đã hoàn thành xây dựng một nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 với số lượng công nhân hoạt động là 800 người. Sau vụ cháy, công ty sẽ đưa các công nhân đến xưởng mới", quản lý khu công nghiệp cho biết.

Theo đại tá Trần Đức Đình - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ - đám cháy kéo dài do địa hình rất phức tạp, khó triển khai các phương tiện tiếp cận đám cháy. "Do thiết kế của ngôi nhà là mái vòm, rất khó tiếp cận góc lửa để phun nước. Nguồn nước thiếu đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chữa cháy", đại tá Đình nói.

Công ty Kwong Lung - Meko chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến lông vũ kết hợp với may mặc. Nhà xưởng rộng khoảng 18.000 m2, đóng tại Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy), cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15 km.

 

Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đối với vấn đề phòng cháy chữa cháy được quy định rất rõ trong Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi 2013 tại các khoản 3, Điều 5; khoản 3, Điều 16 và cụ thể đối với cơ sở kinh doanh tại Điều 20 có quy định chi tiết trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy, báo Tiền phong đưa tin.

“Nếu cơ sở nào vi phạm thì theo quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong việc để xảy ra cháy nổ, tùy theo mức độ thiệt hại về tài sản, các mức xử phạt tiền sẽ tăng dần phù hợp với mức độ thiệt hại, mức thấp nhất là 300.000 đồng cho tới tối đa 50.000.000 đồng.

Trong trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng) thì người vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra (nếu có) đối với những người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, sẽ áp dụng theo quy định của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Vnexpress, Tiền phong)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo