Thị trường

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng tuần từ 3-7/4

Triển khai kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp; báo cáo vụ việc tại bán đảo Sơn Trà; chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch "tour 0 đồng"... là những thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/4/2017.

Triển khai kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, quán triệt tới người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; kịp thời tiếp nhận và xử lý đúng quy định những phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Giao đơn vị và cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ trong việc tiếp nhận, cập nhật tình hình, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị và trả lời người dân, doanh nghiệp qua Hệ thống thông tin điện tử tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn và http://doanhnghiep.chinhphu.vn.

Chính phủ thống nhất đề xuất giảm mức đóng BH thất nghiệp

Tại Nghị quyết 34/NQ-CP, Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

 

Thủ tướng cũng yêu cầu phải đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường; nghiên cứu sản xuất lúa gạo hướng tới đa mục tiêu, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng cơ giới hóa, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
Chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại phục vụ tưới tiêu, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng khác, hướng tới áp dụng cơ chế thị trường về giá nước trong sản xuất để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, duy trì phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo mới, tiềm năng; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và thương hiệu của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và thế giới; cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin 'mỏ thuế lộ thiên’; nộp lệ phí quá rườm rà

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra thông tin một số báo phản ánh về: thị trường chứng khoán; việc nộp lệ phí và thuế.

 

Một số báo ngày 27/3/2017 nêu: Nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang ở một chu kỳ tăng trưởng mới và chứng khoán được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn năm 2017. Một số tổ chức tài chính quốc tế gần đây đã có những nhận định khá tích cực về kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn cho rằng mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá khá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng lo ngại về mức độ minh bạch của thị trường chứng khoán.

 Việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh sẽ tạo thuận lợi cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa các cổ phiếu lên sàn cũng như thoái vốn. Tuy nhiên, quy mô thị trường chưa lớn, sức hấp thụ còn yếu nên cần tính toán lộ trình phù hợp và cần có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong đó chú trọng 2 điểm: (i) bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch, thường xuyên và (ii) bảo vệ nhà đầu tư.

Ngày 27/3/2017, Báo điện tử Vietnamnet cũng có bài "Ôm tiền tỷ nộp lệ phí trước bạ ô tô: Quá rườm rà". Trong đó phản ánh việc rườm rà nộp lệ phí trước bạ không chỉ làm mất thời gian của người dân mà còn đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Báo Thanh niên cũng có bài "Những "mỏ thuế" lộ thiên" phản ánh các quán nhậu, những sạp hàng trong chợ đầu mối... có doanh thu lên tới hàng chục tỷ nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn đồng đang gây thất thu cho ngân sách rất lớn. Hiện có 500.000 doanh nghiệp, nhưng số hộ kinh doanh là 4,6 triệu, trong đó nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng số thuế thu từ các hộ kinh doanh trong năm 2014 là 12,362 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% tổng nguồn thu.

Trước những thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra.

 

Hạn chế mua sắm xe ô tô

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP. Trong năm 2017, thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo dự toán được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017 cho các bộ, cơ quan, đơn vị.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công, Thủ tướng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định.

Khẩn trương hoàn thiện các phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam

 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải đã rất khẩn trương chuẩn bị các phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta có khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra, Chính phủ quyết tâm thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, với tinh thần quyết liệt, minh bạch, không tham nhũng, lãng phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam thành 6 - 10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước; thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.

Về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 theo quy mô Quy hoạch đã được phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án; giao Bộ Giao thông vận tải lập lại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ việc tại bán đảo Sơn Trà

Văn phòng Chính phủ có văn bản 3206/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng báo cáo vụ việc liên quan đến Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo cụ thể về vụ việc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà; trong đó làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng và các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp đã xử lý của thành phố. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2017.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch "tour 0 đồng"

 

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về hình thức kinh doanh du lịch "tour 0 đồng".

Trước đó, báo điện tử VnExpress ngày 30/3/2017 có bài viết "Thái Lan mất 9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì tour 0 đồng của Trung Quốc", trong đó phản ánh hình thức kinh doanh "tour 0 đồng" là nguyên nhân khiến Chính phủ Thái Lan thất thu tiền thuế, mất uy tín của ngành du lịch.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch "tour 0 đồng", bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo