Thị trường

Chỉ đạo nổi bật của Chính phủ: Sớm có ôtô "made in Việt Nam"

(DNVN) - Lập BCĐ chống ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội và TP. HCM; Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Khuyến khích phát triển thương hiệu ô tô Việt...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần vừa qua.

Lập BCĐ chống ùn tắc giao thông tại 2 TP lớn

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Nội vụ, Giao thông vận tải, Xây dựng, xây dựng đề án thành lập Ban Chỉ đạo theo quy định tại Quyết định 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.

Sớm có ôtô mang thương hiệu "made in Việt Nam"

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam.

Sớm có ôtô "made in Việt Nam".

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; phát huy năng lực của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước gắn với khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Phải sớm có ô tô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới. Do đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và uy tín hợp tác với các đối tác chiến lược trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp ô tô đạt mục tiêu trên.

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

 

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

 

Cụ thể, Chương trình sẽ thực hiện nâng cấp các cơ sở giống ở trung ương và địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho một số vùng sản xuất giống trọng điểm; sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư về các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; xây dựng cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản).

Hỗ trợ củng cố, tu bổ hệ thống đê sông, đê biển; công trình phòng chống úng ngập, triều cường; hỗ trợ đầu tư đảm bảo an toàn hồ chứa, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và cung cấp nước ngọt trên các đảo đông dân cư; bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư.

Mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành trồng trọt từ 2,5-3%, chăn nuôi từ 4-5%; chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn.

Nghiên cứu đầu tư cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý UBND tỉnh Nam Định chủ trì triển khai nghiên cứu bổ sung đoạn tuyến qua tỉnh Thái Bình vào đoạn cao tốc Ninh Bình đến Nam Định thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017-2021.

 

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình thực hiện đánh giá đầy đủ sự cần thiết, nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn lực; trên cơ sở đó, thống nhất về quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tuân thủ đúng quy định hiện hành.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo