Hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ đầu tư khi đủ vốn

Sau loạt bài “Đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phân tích nguyên nhân khiến hạ tầng Việt Nam không đồng bộ và nêu giải pháp vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu Chính phủ quyết định. Bộ trưởng nói:

- Đầu tư hạ tầng của Việt Nam chưa đồng bộ là một thực tế mọi người đều nhìn thấy. Vừa qua trong đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại trình ra Hội nghị Trung ương 4 đã có đánh giá về vấn đề này. Nguyên nhân chính được khẳng định là do công tác quy hoạch. Người làm quy hoạch ở ta không có tư duy mang tính đồng bộ, chủ yếu ngành nào lo ngành ấy. Bên đường bộ làm về đường bộ, đường sắt làm phần đường sắt, ông hàng không lo phần hàng không... Tư vấn được đặt hàng dự án nào thì làm dự án ấy. Vì thế có tình trạng hệ thống kết nối kết cấu hạ tầng kém. Sân bay, cảng biển, đường ra vào cảng và hệ thống đường cao tốc, đường thủy dẫn nối không hòa nhập với nhau.

 

* Nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư là nơi tham mưu giúp Chính phủ về vấn đề quy hoạch, phải chăng khâu giám sát, thẩm định quy hoạch có vấn đề?

 

- Nếu nói vai trò của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng không sai nhưng trong những năm qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư không được giao là cơ quan chủ trì thẩm định, cũng không phải cơ quan trình các quy hoạch lên Chính phủ. Cơ chế hiện nay phân cấp cho các ngành tự làm. Quy hoạch giao thông do Bộ Giao thông vận tải làm, quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng làm, quy hoạch y tế do Bộ Y tế làm... Sau đó, quy hoạch được gửi đi xin ý kiến các bộ ngành khác. Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ là một đơn vị góp ý.



Dự án nào được làm thì chắc chắn sẽ được bố trí vốn, chứ không có chuyện hết một năm lại phải chạy đi xin vốn tiếp, không được thì bỏ dở

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

 

Chưa có ai đứng ra chủ trì xem xét để thực hiện toàn bộ theo các quy hoạch của các ngành thì cần bao nhiêu tiền, nên cuối cùng quy hoạch các ngành có thể rất đẹp nhưng lại vượt xa năng lực của đất nước.

 

Giải pháp quan trọng nhất sắp tới là chúng ta phải có Luật quy hoạch, trên cơ sở đó phải có được một quy hoạch khung để làm cơ sở chung cho tất cả các quy hoạch. Thứ hai là cần có một cơ quan đầu mối, thẩm định độc lập, có cái nhìn toàn diện chứ không chỉ nhìn riêng một quy hoạch nào.

 

* Theo ông, cơ quan nào nên được giao chủ trì thẩm định các quy hoạch? Nếu được giao thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư có đủ khả năng thẩm định không?

 

- Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật quy hoạch. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tiến hành những bước triển khai đầu tiên. Về cơ quan thẩm định quy hoạch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng là cơ quan độc lập có thể thẩm định quy hoạch. Nên khi soạn luật, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ đưa một phương án là để bộ đứng ra làm cơ quan đầu mối thẩm định, liên kết các loại quy hoạch, tránh chồng chéo, dàn trải, lãng phí. Bộ đang là đầu mối tham mưu Chính phủ hoạch định, phân bổ vốn nên đủ khả năng xem chúng ta có đủ nguồn lực thực hiện tổng thể các quy hoạch đã duyệt hay không.

 

* Tại Việt Nam nhiều người nói “thay đổi nhanh như quy hoạch”, tại sao lại như vậy? Có hay chăng lý do về “tư duy nhiệm kỳ” mà Hội nghị Trung ương 3 đã nêu?

 

- Các quy hoạch ở ta hay phải thay đổi, việc này nói thẳng ra là do kinh nghiệm, trình độ và tầm nhìn làm quy hoạch của ta còn kém. Lấy ví dụ về công tác quy hoạch của người Pháp, khi cùng họ làm quy hoạch Sa Pa, tôi học được ở họ nhiều điều về quy trình làm quy hoạch và thấy cách làm của họ rất khác với Việt Nam. Quy hoạch của họ đề ra các khung lớn, không đi vào các vấn đề quá chi tiết cụ thể. Đọc quy hoạch của họ có thể hình dung sắp tới sẽ phải làm gì, nhưng vẫn dành ra các khoản chủ động cho các dự án cụ thể. Quy hoạch của họ có thể ổn định cả trăm năm, ta thì quy hoạch năm năm cho sửa một lần. Việt Nam cần học tập nghiêm túc quy trình làm quy hoạch của các nước thay vì cách làm quy hoạch như hiện nay.

 

Về tư duy nhiệm kỳ, có thể có lãnh đạo muốn đặt dấu ấn gì đó trong nhiệm kỳ của mình nên làm mà không tính đến cái lâu dài. Hiện tượng này không phải không có. Tuy nhiên, rõ ràng mỗi người muốn làm một số việc trong nhiệm kỳ như đã hoạch định trong kế hoạch của mình thì cũng phải làm theo khung chung chiến lược 10-20 năm. Như vậy, nếu công trình được hoàn thành thì cũng sẽ phát huy tác dụng tốt. Vấn đề là phải tránh vì cái cá nhân.

 

* Có lẽ phải nhận diện một nguyên nhân nữa để phòng tránh hạ tầng dàn trải là nhiều địa phương, lãnh đạo cứ muốn GDP tăng nên bằng mọi cách xin dự án, còn kết nối, hiệu quả thế nào... hậu xét?

 

- Đó chính là vấn đề rất lớn mà sắp tới phải tính lại trong việc xây dựng quy hoạch. Cần có quy hoạch tổng thể chung của toàn quốc chứ không xây dựng theo kiểu quy hoạch địa phương, hay quy hoạch ngành một cách cắt khúc. Địa phương chúng ta diện tích nhỏ, quy mô nhỏ, nếu để các địa phương tự làm kinh tế độc lập, không kết nối thì bản thân nó đã chia cắt, không phát huy lợi thế riêng và sự cạnh tranh có thể ảnh hưởng tới hiệu quả chung. Phải làm quy hoạch toàn quốc, xem vùng nào làm nông nghiệp, vùng nào làm công nghiệp để nghiên cứu liên kết các vùng với nhau. Vai trò tổ chức phát triển tổng thể kinh tế sẽ của trung ương, địa phương triển khai thực hiện. Mặt khác, chúng ta đang xem xét, đánh giá cán bộ địa phương theo tăng trưởng kinh tế.

 

* Chuyện đầu tư hạ tầng không đồng bộ, Phú Quốc chỉ là một trong những điển hình mà báo Tuổi Trẻ đã nêu?

 

- Trường hợp Phú Quốc, tôi đã từng đi khảo sát hết các tuyến đường, trong đó có các con đường dở dang. Tôi biết chính quyền họ không dại gì mà cứ làm sân bay nhưng không làm đường kết nối. Tuy nhiên, cách làm của Phú Quốc là dàn trải. Phú Quốc đã đồng loạt đầu tư gần như toàn bộ các con đường trên đảo. Làm thì đúng quy hoạch nhưng họ không nghĩ tiền của đất nước có hạn.

 

Đầu tư cho Phú Quốc đã nêu rõ cần hai nguồn lực là hỗ trợ của Nhà nước và thu hút đầu tư xã hội. Nhưng đất Phú Quốc đã được phân quá nhanh, giờ thu hồi để tạo ra nguồn lực rất khó.

 

Thêm nữa, cái Phú Quốc cần làm là phải xác định một khu trung tâm và dồn vốn vào đây, làm hạ tầng đường, điện, cấp nước đồng bộ. Khi đó giá trị đất đai tăng lên, Phú Quốc có thể cho thuê đất với giá cao và lấy vốn đó để tiếp tục đầu tư. Khi có một khu sôi động, việc vươn ra, kết nối sẽ thuận lợi hơn.

* Để tránh những dự án dở dang, khép lại câu chuyện hạ tầng không đồng bộ, chính sách sẽ phải rất mạnh. Bao giờ chúng ta có chính sách này?

 

- Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị số 1792/CT-TTg với tư tưởng thể hiện rõ cho các địa phương từ năm 2012 kiên quyết không để đầu tư dàn trải nữa. Trước đây, nhiều địa phương cứ duỵêt dự án, sau đó đi tìm vốn. Vấn đề là họ không biết mình có bao nhiêu tiền nhưng cứ phê duyệt thật lớn.

 

Từ nay trở đi, quy định bắt buộc là muốn duyệt dự án, phải lo đủ vốn mới được ký. Trên cơ sở số vốn trung ương thông báo, nếu địa phương cân đối được số vốn còn lại thì duyệt dự án, nếu không lo đủ thì thôi. Từ nay lo đủ tiền mới làm. Ai ký dự án mà chưa có vốn khiến dở dang, kéo dài sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Tỉnh nào muốn đầu tư dự án mà trong đó có vốn Nhà nước thì sẽ phải hỏi Thủ tướng, trên cơ sở có quyết định giao vốn rồi mới làm chứ không phải cứ làm rồi chạy đi xin sau. Trước đây đã có nhưng chưa quyết liệt, lần này tôi khẳng định sẽ làm quyết liệt.

 

Tôi tin rằng với thay đổi chính sách như vậy, đầu tư dở dang, dàn trải sẽ không còn nữa. Đến nay, số công trình cho năm 2012 cũng đã có dấu hiệu giảm đi rõ rệt.

 

Điều quan trọng nữa là về mặt cơ chế sắp tới, thay vì bố trí từng năm vốn sẽ được bố trí theo kế hoạch trung hạn năm năm liền (nhiệm kỳ này còn ba năm trong kế hoạch năm năm thì sẽ bố trí ba năm). Nghĩa là Chính phủ sẽ công bố cho tất cả địa phương trong năm năm tới trung ương sẽ có bao nhiêu tiền để đầu tư, với những nguyên tắc rõ ràng và trên cơ sở quy hoạch định hướng chung của cả nước.

 

* Đối với những dự án dở dang thì phải làm thế nào, thưa bộ trưởng?

- Nhờ cắt giảm đầu tư công, dồn vốn cho các công trình cấp thiết nên số dự án hoàn thành trong năm 2011 tăng lên trên 4.400 dự án, cao hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, đúng là còn nhiều dự án không thể có vốn bởi trước đây chúng ta quá dàn trải.

Có thực tế phải chấp nhận là nhiều công trình sẽ buộc phải dừng lại, dang dở bởi để thực hiện nốt những dự án đã được thông qua, chúng ta cần đến trên 500.000 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn lo được qua trái phiếu cũng chỉ khoảng 180.000 tỉ đồng. Sẽ có 2/3 số dự án không thể được đầu tư tiếp, không còn cách nào.

Năm nay Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch vốn trung hạn cho ba năm, địa phương có thể dùng vốn này bố trí những công trình quan trọng dang dở, và phải hạn chế mở dự án mới.

Các bộ, ngành, địa phương phải tự chọn đầu tư đến một điểm dừng kỹ thuật để phát huy được phần vốn đã đầu tư. Như đang làm bốn con đường, mỗi con đường được một đến hai gói thầu thì dồn vốn làm cho tốt những gói thầu đã làm, để có mặt đường đi được. Chỗ thiếu vốn phải khóa lại, tạo mặt bằng chấp nhận được để tránh lãng phí lớn.

 

Theo TT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo