Thị trường

Chính phủ dự báo đạt và vượt 13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội

(DNVN) - Trên cơ sở kết quả 9 tháng, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ngày 23/10, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo cả năm 2017, chúng ta ước đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 05 chỉ tiêu ước vượt và 08 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.

Theo người đứng đầu Chính phủ, ngày 07/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 23/2016/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó 13 chỉ tiêu chủ yếu đề ra gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 87%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%. 

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, 05 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch là: Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 1,5% (kế hoạch 3,5%); Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 33,42% (kế hoạch 31,5%); Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 14,4% (kế hoạch 6 - 7%); Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 25,7 giường (kế hoạch 25,5 giường); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 83% (kế hoạch 82,2%).

Còn 08 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,7%; Tốc độ tăng chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP 1,5%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 56% (kế hoạch 55 - 57%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.

Báo cáo Chính phủ cho rằng, đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

 

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao (Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ, chỉ số phát triển bền vững (SDG Index) của Việt Nam năm 2017 hạng 68/157, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN (Indonesia hạng 100; Philippines hạng 93, Singaprore hạng 61, Thái Lan hạng 55, Malaysia hạng 54.

Từ nay đến cuối năm, chúng ta tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC; chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo