Chính trị

Chính phủ ra nghị quyết về chương trình hành động phòng chống tham nhũng

(DNVN)-Các nhiệm vụ cụ thể trong công tác PCTN cũng là những nhiệm vụ cụ thể thực hiện giai đoạn thứ 3 Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và giai đoạn 3 thực hiện Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Ngày 29/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020.

Nghị quyết nêu rõ, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 3 khóa X và 5 năm thực hiện kết luận số 21-KL/TW Hội nghị trung ương 5 khóa XI, công tác phòng chống tham nhũng được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện.

Các biện pháp phòng chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, từng bước phát huy tác dụng. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã bị phát hiện, xử lý nghiêm. Tham nhũng bước đầu đã được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020.

Theo đó, để triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020, gồm các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ;

3. Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ;

4. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng;

 

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng;

6. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội;

7. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng;

8. Nội luật hóa các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện và pháp luật Việt Nam; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong PCTN.

Cũng theo Nghị quyết, các nhiệm vụ cụ thể trong công tác PCTN cũng là những nhiệm vụ cụ thể thực hiện giai đoạn thứ 3 Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và giai đoạn 3 thực hiện Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tiếp nối các nhiệm vụ giai đoạn từ 2016 - 2020 trong Chương trình hành động của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 6/12/2012 của Chính phủ.

 

Nghị quyết cũng nêu rõ: các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chủ động, tích cực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác PCTN; lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TW, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết; các Bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động với Chính phủ theo kỳ; Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết; Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, ban Tuyên giáo TW, MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội... làm tốt công tác thông tin và truyền thông, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN.

Nên đọc
Thanh Văn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo