Xã hội

“Chợ tự phát” tại các khu công nghiệp

Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình) xuất hiện một cái “chợ tự phát” điển hình mà đòi hỏi cần có một giải pháp tốt để công nhân có thể mua được thức ăn vệ sinh, chất lượng, giá cả hợp lý.

Hiện nay, bên cạnh các khu công nghiệp khu vực miền Trung xuất hiện nhiều chợ tự phát. Chợ chỉ họp vào thời điểm công nhân tan tầm và sau đó tự giải tán ngay, vì phần lớn họp bên vệ đường.

Nhu cầu thực tế của công nhân

Bà Đặng Thị H - một tiểu thương ở đây - cho biết, ban đầu chỉ có một vài hộ ở xung quanh đem ít mớ rau, củ quả nhà mình trồng được ra ngồi ở đây bán, dần dần thấy nhu cầu ngày càng nhiều nên nhiều người tập trung lên đây bán với các mặt hàng ngày càng phong phú. Theo quan sát, hiện đã có hơn 30 “quầy hàng” bán với đầy đủ rau củ quả, cá, thịt... không khác gì một khu chợ bình thường. Các thực phẩm ở đây giờ không chỉ là chút ít cây rau trong vườn của các hộ dân sống xung quanh nữa, mà được các tiểu thương mua từ các chợ khác đem lên đây bán với các mặt hàng khá phong phú.

“Chợ tự phát” trên bắt nguồn từ nhu cầu của công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu công nghiệp, mà công nhân lại làm theo ca nên chợ chỉ tụ họp khoảng vài tiếng đồng hồ trong ngày. Khoảng hơn 18h, Xí nghiệp may Hà Quảng mở cổng, hàng trăm công nhân ùa ra và việc đầu tiên là ghé vào khu “chợ” để mua ít thức ăn về nhà phục vụ bữa ăn cho gia đình sau một ngày làm việc căng thẳng.

Chị Phạm Thanh Nga - một công nhân - cho biết, giá cả và các mặt hàng cũng giống ở các chợ, lại phù hợp với công nhân vì các tiểu thương cũng đã nắm bắt tâm lý của những công nhân ở đây là muốn rẻ và tiện lợi. Ghé vào mua mấy lạng thịt lợn, cọng hành và mớ rau về nấu canh, anh Hoàng Thanh Tùng vui vẻ: “Công nhân thời bão giá như bọn em bữa ăn chỉ vậy thôi anh ạ”. “Dẫu biết thức ăn giờ cũng không được tươi ngon, nhưng cứ tầm tan ca sau 18h như bọn em cũng không có sự lựa chọn nào khác ngoài khu chợ xép này”. Các tiểu thương cho biết, mỗi buổi như vậy có ít nhất 400-500 lượt công nhân ghé vào mua thực phẩm tại đây.

Cần thiết phải có khu chợ cho công nhân khu công nghiệp

Là doanh nghiệp với số lượng công nhân đông nhất khu công nghiệp với 900 người, ông Nguyễn Trường Tiêu - Giám đốc Xí nghiệp may Hà Quảng - cho biết, hiện ở khu vực khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới không có các công trình phụ trợ cần thiết như chợ, khu mua sắm, nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, nhà mẫu giáo..., nên công nhân rất khó khăn, thiệt thòi vì khu công nghiệp nằm xa trung tâm.

Chính vì vậy, khu “chợ” trên xuất phát từ nhu cầu thực tế, rất cần thiết đối với công nhân lao động. Sắp tới, xí nghiệp sẽ mở rộng mô hình sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng lên gấp đôi, cộng với một số lượng rất lớn công nhân trong toàn khu công nghiệp nên việc quy hoạch, xây dựng một khu chợ cho công nhân là một nhu cầu cấp bách.

Khi được hỏi về vấn đề trên, quan điểm của ông Võ Văn Tùng - Giám đốc Công ty quản lý hạ tầng Khu kinh tế Quảng Bình - cho rằng, không ủng hộ việc “chợ tự phát” trong khu công nghiệp, vì như vậy là không đúng so với quy định, mặt khác sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh và môi trường vì không có sự quản lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu chính đáng của các công nhân trong khu công nghiệp, công ty sẽ đề xuất với cấp trên phối hợp với các bên liên quan, chính quyền địa phương để quy hoạch một chợ tạm ở khu vực thuận lợi cho các công nhân làm việc tại đây.

Trước vấn đề trên, ông Phạm Văn  Năm - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh - cho biết, sẽ có kiến nghị với cấp trên khẩn trương triển khai các hạng mục, trong đó có khu chợ cho công nhân nhằm bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho người lao động tại khu công nghiệp.

 

 

Như Trâm (Theo Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo