Thị trường

Chống vàng hóa nền kinh tế - được nhiều hơn mất

Từ năm 2008 trở lại đây, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân và các nhà đầu tư tìm đến vàng như một loại tài sản an toàn để nắm giữ.

Vì thế, vàng thế giới từ mức giá 600 – 700USD/oz quý IV/2008, đến thời điểm cuối tháng 10.2012 đã tăng gần 300% lên mức hơn 1.700USD/oz. Còn vàng trong nước cũng từ mức hơn 17 triệu đồng/lượng đầu năm 2008 nhảy vọt lên gần 47 triệu đồng/lượng tháng 10.2012. Điều đáng bàn là đầu tư vàng không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, mà chỉ sinh lời cho một bộ phận nhà đầu tư…

Ai được lợi từ đầu tư vàng?

Trước đây, việc quản lý vàng miếng là hàng hóa thông thường khiến mỗi khi giá vàng nội và giá vàng ngoại chênh lệch chỉ cần đến 400 nghìn đồng/lượng đã khiến giới đầu cơ đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập lậu vàng. Để có ngoại tệ nhập khẩu lậu, những kẻ đầu cơ đã vơ vét một lượng ngoại tệ lớn trên thị trường chợ đen, tạo áp lực lên giá USD trên thị trường chính thức.

Chính vì hiện tượng này mà có một số thời điểm của năm 2011, khi giá vàng trong nước tăng mạnh so với giá thế giới, có lúc tỉ giá thị trường tự do lên gần 22.000 đồng/USD, trong khi tỉ giá công bố của ngân hàng chỉ ở mức khoảng 20.698 đồng/USD. Tỉ giá biến động mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu làm giá hàng nhập khẩu tăng, gây áp lực lạm phát, cũng như việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Như vậy, đầu tư vàng chỉ có thể sinh lời cho một bộ phận nhà đầu tư, nhưng sinh lời theo dạng từ túi người này sang người khác. Hơn nữa, nguồn tiền để đầu tư vào vàng và ngoại tệ để nhập vàng chuyển thành vốn đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngoại tệ để mua vàng lại hút một lượng vốn lớn từ nền kinh tế vào loại hàng hóa đặc biệt này.

Theo ước tính của một số tổ chức quốc tế như Hội đồng Vàng thế giới thì số vàng Việt Nam nhập khẩu qua các năm theo nhiều kênh lên tới 1.000 tấn vàng, còn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì ước tính số vàng trong nền kinh tế đến thời điểm này khoảng từ 250 – 400 tấn. Nếu chỉ lấy con số trung bình 300 tấn vàng quy đổi ra ngoại tệ thì nền kinh tế đang bị chôn chặt 15 tỉ USD không thể đưa vào lưu thông. Như vậy, việc nắm giữ vàng vật chất không có ý nghĩa đối với quốc kế dân sinh.

Tại sao phải chống vàng hóa nền kinh tế?


Trước những hệ lụy từ nhu cầu mua vàng để tích trữ, đầu cơ, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho giai đoạn sắp tới là không để vàng ảnh hưởng tới tỉ giá từ đó không tác động tới kinh tế vĩ mô; tác động để vàng trở nên kém hấp dẫn, chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh, đồng thời chặn đứng việc dùng vàng như phương tiện thanh toán.

 

 

Ảnh minh họa



Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế cho Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Lần đầu tiên chúng ta có một nghị định quy định đầy đủ, cụ thể cho mọi hình thức kinh doanh vàng trên thị trường. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả SJC đều không được dập vàng miếng mà Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền trong sản xuất vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc lựa chọn Công ty SJC gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước. Sở dĩ chọn SJC vì từ lâu thương hiệu này đã được đông đảo người dân lựa chọn; chiếm trên 90% lượng vàng trong nền kinh tế và để tiết kiệm chi phí xã hội thay vì phải thành lập bộ máy, nhập dây chuyền sản xuất thương hiệu vàng miếng mới.

Đáng  chú ý, cùng với Nghị định 24, trong năm 2011, Chính phủ đã ban hành hành Nghị định 95 ngày 20.10.2011, sửa đổi  bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Với mức xử phạt cao đối với những vi phạm kinh doanh vàng, ngoại tệ cùng việc tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là tịch thu tang vật vàng nhập lậu đã từng bước thiết lập lại trật tự trên thị trường ngoại hối. Việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được thực hiện qua 3 bước: (i) lập lại khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng;  (ii) chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; (iii) chuyển đổi toàn bộ quan hệ huy động - cho vay bằng vàng sang quan hệ mua - bán vàng.

Bằng việc quyết định chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng, nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô lớn đã được giải quyết, đồng thời rủi ro đối với người dân và tổ chức tín dụng cho vay vàng sẽ được loại bỏ. Nếu cho phép ngân hàng thương mại tiếp tục huy động vàng càng khuyến khích tâm lý giữ vàng của người dân, thúc đẩy tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nếu huy động vào nhưng không thu xếp được đầu ra, sẽ rủi ro rất lớn.

Thời gian vừa qua giá vàng lên cao, các ngân hàng phải chịu chi phí rất lớn khi mua lại số vàng đã chuyển đổi để chuyển lại vàng cho khách hàng là một ví dụ (từ tháng 4.2012 trở lại đây số vàng các tổ chức tín dụng mua lại từ thị trường khoảng 60 tấn. Theo số liệu của các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng còn phải mua thêm 20 tấn vàng từ thị trường).

Như vậy, có thể nói, hai nghị định trên ra đời đã tạo “chốt chặn” quan trọng, chặn đứng hoạt động nhập lậu vàng, hạn chế đáng kể tác động của nhu cầu mua vàng lên tỉ giá, tránh “chảy máu” ngoại tệ của đất nước. Mặc dù  hiện vẫn đang có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nhưng tỉ giá VND/USD thời gian qua ổn định. Mục tiêu chính sách tiền tệ chống vàng hóa nền kinh tế đã đạt được hiệu quả từng bước.

Từ đầu năm đến tháng 10/2012, theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 14%, trong đó huy động vốn bằng VND (của cả tổ chức và dân cư) tăng 17,5%, huy động ngoại tệ giảm 1,55% so với cuối năm 2011. Đáng lưu ý, diễn biến huy động của khu vực dân cư tăng cao (23,3%, trong đó huy động  bằng VND tăng 28,7%, huy động bằng ngoại tệ giảm 5,5%). Diễn biến trên thị trường tiền tệ cho thấy các giải pháp chính sách tiền tệ, tỉ giá, quản lý thị trường ngoại tệ và quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua điều chỉnh thị trường theo hướng chuyển dần từ huy động-cho vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, giảm dần tình trạng đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng niềm tin vào VND.

 

 

Việt Huế (Theo Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo