Chứng khoán

Chu kỳ bán ròng của khối ngoại sắp kết thúc?

Có những dự đoán khác nhau về động thái bán ròng của khối NĐT nước ngoài trong các tháng cuối năm 2013 từ các tổ chức đầu tư, tư vấn đầu tư.

Trong báo cáo tháng 8, Công ty Chứng khoán BSC đưa ra các số liệu đáng chú ý về động thái bán ròng của khối ngoại. Theo BSC, khối ngoại bán ròng 2 đợt vào tháng 6 và tháng 8 là 1.543 tỷ đồng và 881 tỷ đồng. Trong đó, 2 quỹ đầu tư chỉ số ETF Vietnam Market Vector và FTSE ETF Vietnam bán ròng 1.424 tỷ đồng trong tháng 6, chiếm 92% tổng lượng bán ròng và 496 tỷ đồng trong tháng 8, chiếm 54% tổng lượng bán ròng.

“Phản ứng của khối NĐT nước ngoài với việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm quy mô gói nới lỏng định lượng cũng giảm dần khi họ bán ròng tháng 6 là 1.543 đồng, tháng 8 là 881 tỷ đồng. Mặt khác, trong 2 tuần cuối tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút mạnh khiến tốc độ giảm của chỉ số P/E bắt kịp tốc độ giảm của TTCK các nước trong khu vực, nên áp lực thoái vốn do cơ cấu sẽ không lớn. Do vậy, lượng bán ròng dự kiến sẽ có xu hướng giảm dần ở các tháng còn lại trong năm 2013”, BSC nhận định.

Tháng 8, khối ngoại bán ròng 881 tỷ đồng, giảm 42,9% so với tháng 6

Nhìn từ góc độ khác, giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán lớn nói: “Thật khó nhận định rằng lượng bán ròng của NĐT nước ngoài sẽ giảm đi trong các tháng cuối năm. Điều đó còn tùy thuộc quyết định của Fed về gói nới lỏng định lượng trong tháng 9 hoặc các tháng sau đó như thế nào. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam hiện nay chưa thật sự rẻ, nền kinh tế cũng chưa có nhiều khởi sắc để hứa hẹn một đợt tăng điểm dài hơi. Trong khi đó, dòng vốn từ quỹ ETF là dòng vốn nóng. Nếu thấy thị trường chưa có khả năng bước vào một sóng tăng dài hạn thì họ sẽ bán ra. Khi nào có cơ hội rõ ràng hơn thì họ sẽ lại mua vào”.

Các thông tin gần đây cho thấy, lượng tiền mặt của 2 quỹ ETF nêu trên không còn dồi dào và NĐT tiếp tục rút vốn ra khỏi quỹ trong những ngày cuối tháng 8.

Nhìn vào thị trường trái phiếu chính phủ, một kênh rút vốn khác của NĐT nước ngoài tại thị trường Việt Nam, giá trị giao dịch của thị trường trái phiếu sụt giảm sau khi NĐT nước ngoài bán ra khá mạnh trong 3 tháng qua. Hiện nay, chủ yếu là NĐT trong nước mua bán với nhau. Vì thế, nếu làn sóng rút vốn nói chung của khối ngoại tiếp tục thì nhiều khả năng sẽ diễn ra trên thị trường cổ phiếu hơn là thị trường trái phiếu.

Giới phân tích trong nước cũng đặc biệt quan tâm đến các thông tin liên quan đến động thái của các nước mới nổi trong việc thành lập quỹ dự trữ 100 tỷ USD để ứng phó với việc Mỹ rút dần gói nới lỏng định lượng. Sự phòng vệ của các nước sẽ giúp làm giảm ảnh hưởng của việc Fed rút gói kích thích nền kinh tế đến các nền kinh tế mới nổi nói chung trên thế giới. Việt Nam, một thị trường biên, chịu mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phòng vệ của các nền kinh tế mới nổi.

Cuối tuần qua, danh mục đầu tư mới của các quỹ ETF đã được công bố. Các quỹ ETF không thêm mã chứng khoán nào mới, trong khi loại bỏ một số mã ra khỏi danh mục. Từ nguồn tiền thoái vốn này, liệu tỷ trọng các mã còn lại trong danh mục của quỹ ETF có tăng lên trong thời gian tới, hay việc thoái vốn khỏi một số cổ phiếu vừa qua là phục vụ cho nhu cầu thoái vốn chung của quỹ, nên sẽ không có việc mua thêm cổ phiếu?

Câu trả lời sẽ có trong 2 tuần tới, khi 2 quỹ hoàn tất việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Sau đó, đến ngày 17/9 là ngày mà giới phân tích cho biết có cuộc họp của Fed, đưa ra quyết định về gói nới lỏng định lượng.

Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo