Tin tức - Sự kiện

Chưa kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên rau quả

Trước thông tin về việc cải thảo tại Trung Quốc được phát hiện nhiễm chất formaldehyde có nguy cơ gây ung thư, khảo sát thị trường tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian gần đây người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh đã hạn chế sử dụng các loại rau quả có xuất xứ Trung Quốc do lo ngại về việc sử dụng hóa chất trong quá trình tăng trưởng và bảo quản.

Hơn 100 tấn nhập về chợ/đêm

 

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - cho biết: “Thời gian gần đây, lượng nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối mỗi ngày đã giảm đáng kể”.

 

Tuy nhiên, hiện các loại rau quả có xuất xứ Trung Quốc vẫn được bày bán khá nhiều tại các chợ lớn nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh với nguồn hàng về chợ đầu mối hằng đêm thống kê được khoảng hơn 100 tấn/đêm.

 

Bà Hà cho biết thêm: “Trong số 1.500 tấn rau củ các loại bình quân nhập về chợ hằng đêm, hiện các loại rau củ của Trung Quốc chiếm khoảng 50-80 tấn/đêm. Các mặt hàng rau củ xuất xứ Trung Quốc về chợ phổ biến là bông cải trắng, bông cải xanh, cải thảo, cải tròn, củ cải đỏ, khoai tây, gừng, hành, tỏi".

 

Bên cạnh đó, trong số khoảng 1.900 tấn trái cây nhập về chợ/đêm, hiện trái cây ngọai nhập chiếm khoảng 135-140 tấn. Trong số này, trái cây có xuất xứ Trung Quốc trước đây chiếm tỉ lệ 50 - 70% thì nay chỉ chiếm khoảng 30%, tức khoảng 40-50 tấn/đêm. Các loại quả của Trung Quốc thường xuyên nhập về chợ là cam, lê, táo, quýt

 

. Như vậy, bình quân mỗi ngày lượng rau, củ, quả có xuất xứ Trung Quốc nhập về TP.Hồ Chí Minh hơn 100 tấn/đêm.

 

Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, đặc trưng của các loại nông sản Trung Quốc là trông hình dáng bên ngoài rất tươi ngon, bao bọc kỹ, lớn trái, có thể để lâu, giá rẻ nên các đối tượng khách hàng là những hàng quán thường đặt mua.

 

Trong khi đó, chị Thắm - kinh doanh mặt hàng nông sản tại chợ Bà Chiểu - cho biết: “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng e dè với hàng của Trung Quốc. Khi chọn mua các loại củ cải đỏ, bông cải và nhất là gần đây là các loại cải, khách hàng cứ hỏi hoặc ngắm nghía xem có phải là hàng xuất xứ Trung Quốc không, do lo ngại mua phải nông sản có tẩm hóa chất tăng trưởng, bảo quản”.

 

 

Kiểm soát chưa chặt chẽ

 

Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ bán lẻ cho thấy, các tiểu thương biết người tiêu dùng e dè với nông sản có xuất xứ Trung Quốc nên đã không nói thật xuất xứ mặt hàng với người mua hoặc trà trộn hàng có xuất xứ Trung Quốc với các loại nông sản từ Đà Lạt.

 

Mặt khác, hiện nay ngoại trừ các loại rau an toàn có đóng gói bao bì, đang được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các đơn vị, còn lại hầu như các loại rau cải bán tại các chợ đều không được đóng gói bao bì.

 

Người tiêu dùng và kể cả người bán cũng không thể nào biết được chính xác xuất xứ của sản phẩm. Đặc biệt, hiện tại các chợ nhỏ lẻ, thỉnh thoảng lại xuất hiện những người bán dạo đẩy cả xe ba bánh hoặc xe máy kinh doanh các loại cải, kể cả cải thảo với giá rẻ hơn hàng bày bán tại các sạp.

 

Trong khi đó, hiện việc kiểm tra mức độ an toàn  vệ sinh thực phẩm của mặt hàng này lại khá lỏng lẻo và còn nhiều hạn chế, chủ yếu là kiểm tra lấy mẫu tại các chợ đầu mối.

 

Bà Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Hằng đêm, các tổ kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật đều lấy mẫu các loại nông sản để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quả từ 5-20 mẫu/đêm”. Tuy nhiên, việc lấy mẫu để kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên rau quả thì hầu như chỉ tiêu này chưa được các cơ quan chức năng thực hiện.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.Hồ Chí Minh - trước giờ, đối với rau, củ, quả, chủ yếu kiểm tra 4 chỉ tiêu độc tố chính thường tồn đọng trong sản phẩm nông sản là: Kim loại nặng, nitrat, thuốc trừ sâu và vi sinh vật gây bệnh, còn formaldehyde không có trong danh mục quy định của Nhà nước nên không thực hiện việc kiểm tra.

 

Trước thông tin cải thảo nhiễm chất formaldehyde tại Trung Quốc, các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh sẽ tiến hành kiểm tra thêm hóa chất này trên các mẫu rau cải lưu thông trên thị trường.    

 

Về chất formaldehyde, theo PGS-TS Trịnh Lê Hùng - khoa Hoá, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Đây là chất có tác dụng sát trùng cực mạnh, chủ yếu được dùng với vai trò là chất bảo quản trong nghiên cứu khoa học hoặc ướp xác! Có thể khẳng định đây là chất độc, sử dụng nhiều gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng”.

Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, có thể gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp, gây bệnh về bạch cầu, ung thư phổi. Formaldehyde cũng được tổ chức nghiên cứu về ung thư quốc tế IARC trực thuộc WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm các chất gây ung thư cho người.     

Đ.L - D.H

 

 

Theo Lao Động

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo