Thị trường

Chứng khoán chiều 23/7: Sụt giảm trên HSX

VnEconomy - N-Index đóng cửa phiên giảm 0,37% so với tham chiếu. Mức giảm này không hẳn là lớn, nhưng so với thời điểm cuối phiên sáng là bước thụt lùi đáng thất vọng, giảm gần 0,7%. VN30-Index chốt phiên giảm 0,21%, tương đương giảm riêng phiên chiều 0,4%.


Thanh khoản chiều nay ở HSX không kém phiên trước bao nhiêu, nhưng nhiều mã lớn không duy trì được mức tăng giá, làm giảm sức mạnh của chỉ số. Hai mã trụ cột trong rổ VN30 sáng nay là VNM và VCB đều yếu đi. VNM không duy trì được khối lượng mua lớn trên tham chiếu như phiên sáng, đến sau 14h bắt đầu kém dần. Đợt khớp lệnh đóng cửa, VNM không còn được mua mạnh nữa và giá lùi lại tham chiếu, trả lại hết mức tăng cho thị trường.

VCB vẫn tăng giá trong phiên chiều nhưng mức tăng cũng bị thu hẹp lại. Giao dịch trở nên kém sôi động và giá giảm dần từ 28.600 đồng về 28.300 đồng. Mức tăng giá chỉ còn 1,43% trên tham chiếu. Dù sao VCB cũng là cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới thị trường còn tăng giá tốt, trong khi VIC, HAG cùng với VNM đứng im, GAS lại gia nhập vào nhóm giảm giá với MSN, BVH, DPM.

Sự suy yếu của GAS và MSN là đáng kể nhất khiến VN-Index định hình xu thế đi xuống rất rõ chiều nay. GAS cuối phiên sáng còn ở tham chiếu nhưng thanh khoản thấp khiến giá bị ép mạnh hơn vào buổi chiều. Gần như trọn phiên chiều GAS giảm 0,76% so với tham chiếu làm VN-Index thiếu đi một trụ cột. 

MSN mới thực sự kém: Sụt giảm từ 95.500 đồng cuối phiên sáng xuống 94.500 đồng lúc đóng cửa. Giảm cả phiên tới 2,58%, MSN tác động rất rõ nét lên VN-Index lúc đóng cửa.

Đổ lỗi cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất suy yếu làm HSX sụt giảm trong phiên chiều cũng là có cơ sở. Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế rằng độ rộng của cả sàn cũng thay đổi theo hướng thu hẹp lại rất nhiều. So với phiên sáng, độ rộng chiều nay chỉ bằng một nửa, đặc biệt là hàng trăm mã chuyển từ tham chiếu sang giảm giá. Như vậy giá biến động giảm chung chứ không chỉ riêng ở nhóm cổ phiếu lớn. Rổ VN30 cũng chỉ còn 7 mã tăng và 14 mã giảm.

Khối lượng mua tăng lên từ nhà đầu tư nước ngoài trong sáng nay giúp thị trường có một chút hào hứng. Tuy nhiên thống kê lại sau giao dịch mới thấy quy mô bán cũng tăng lên và dòng vốn vào ròng thực ra không phải là lớn.

Chỉ riêng các giao dịch khớp lệnh, khối này tăng mua khoảng 39% về khối lượng nhưng chỉ tăng 17% về giá trị. Quy mô bán ra tăng 82% về lượng và tăng 136% về giá trị. Mức vốn vào ròng so với phiên trước chỉ bằng 35%, đạt 17,4 tỷ đồng. Riêng rổ VN30 đã được khối ngoại mua ròng 16,6 tỷ đồng, nghĩa là các mã còn lại được giao dịch hầu như không đáng kể.

Ba giao dịch bán ròng nổi trội hôm nay thuộc về DPM (-7,7 tỷ đồng), DRC (-10,1 tỷ đồng) và EIB (-10,3 tỷ đồng). Trong số này chỉ có EIB đứngg giá còn lại hai mã kia giảm khá mạnh. HAG. GAS cũng nằm trong số các mã bị bán ròng lớn. Phía mua khá dễ nhận vì có số liệu trong phiên. HPG, CTG, HAG, MSN, PPC, VCB được mua nhiều nhất nhưng không phải mã nào cũng tăng giá.

Sàn Hà Nội cơ bản cũng rơi vào xu hướng điều chỉnh giống HSX. Khác biệt chỉ xảy ra trong 15 phút cuối phiên. HNX-Index trong vài phút bật lên trên tham chiếu 0,3% nhưng HNX30-Index chỉ tăng được 0,04% vào đúng vài giây cuối cùng. ACB bất ngờ nhảy tăng 0,63% trong một giao dịch kỹ thuật với đúng 100 cổ phiếu – lô tối thiểu. PVS khá may mắn với đợt xả hàng nhẹ 5 phút cuối chưa ép xuống giá tham chiếu. Đây là hai mã lớn đáng kể nhất tăng giá.

Các cổ phiếu đầu cơ còn lại tiếp tục trạng thái giao dịch ỉu xìu như trong phiên sáng. Giá không biến động nhiều, chủ yếu là giảm khiến VND, VCG, BVS, PVX, SCR lại là gánh nặng cho chỉ số. Thanh khoản của HNX chiều nay tiếp tục loanh quanh mức 50 tỷ đồng và cả phiên giá trị khớp lệnh giảm gần 4% so với phiên trước.

LAN NGỌC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo