Kinh tế số

5 điểm nghẽn cản trở các ngân hàng thương mại số hóa

DNVN - Các ngân hàng thương mại đã không ngần ngại đầu tư và phát triển ngân hàng hóa, tung ra các sản phẩm dịch vụ phong phú nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng mọi lúc mọi nơi. Tuy vậy, hoạt động số hóa của các định chế vấp phải nhiều điểm nghẽn, cần sớm được tháo gỡ.

Thừa Thiên Huế: Tạo cơ chế chính sách để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống / Hà Nội: Phương thức xét tuyển ngành CNTT của các trường Đại học

Các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cạnh tranh bằng các giải pháp công nghệ.

Không ngần ngại đầu tư
Tại tọa đàm "Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và IDG Vietnam phối hợp tổ chức chiều 7/10, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông tin: Hoạt động ngân hàng mở tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đang được triển khai ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức dịch vụ khác nhau. Các ngân hàng thương mại lớn trên thị trường cũng đã bước đầu triển khai, xây dựng và cung cấp ứng dụng OPEN API đến với các đối tác.
"Nhìn chung, các ngân hàng đang ngày càng mở rộng hợp tác kết nối với công ty công nghệ Fintech để đón đầu và tận dụng cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số. Các ngân hàng không ngần ngại đầu tư phát triển ngân hàng số, tung ra các sản phẩm dịch vụ phong phú nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc từ khách hàng cá nhân, đến doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.
Theo ông Hùng, thành công của các NHTM Việt Nam trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng trong giai đoạn hiện nay thể hiện ở hoạt động hiện đại hóa công nghệ. Từ đó phát triển các loại hình dịch vụ mới, kênh phân phối mới, đa tiện ích như Mobile Banking, Internet Banking, QR Code. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng mọi lúc mợi nơi thông qua các ứng dụng của ngân hàng số.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ tịch Ủy ban Công nghệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank khẳng định, trong 2 - 3 năm gần đây, dịch vụ ngân hàng số được phát triển vô cùng mạnh mẽ. Ngành ngân hàng có sự cạnh tranh quyết liệt khi thị trường xuất hiện nhiều công ty Fintech cũng như sự tham gia của các công ty viễn thông trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ tịch UB Công nghệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chia sẻ tại sự kiện.
"Chính sự cạnh tranh khốc liệt của môi trường mà hầu hết ngân hàng đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phát triển dịch vụ ngân hàng số. So sánh với các thị trường lân cận, chúng ta tự hào rằng, ứng dụng ngân hàng số của các NHTM Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Thực tế đã có nhiều ứng dụng ngân hàng số cho phép người dân có thể làm được tất cả các việc từ A đến Z chỉ với điện thoại di động có kết nối mạng", ông Lân nói.
5 điểm nghẽn
Tuy vậy, người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, bên cạnh việc cung cấp đa dạng hơn nữa các loại hình sản phẩm dịch vụ ngân hàng thì dịch vụ thanh toán và trải nghiệm khách hàng của các NHTM đang đối mặt với 5 điểm nghẽn.
Thứ nhất, hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ chưa ổn định.
Thứ hai, thông tin dữ liệu khách hàng cấp vi mô đang chuẩn hóa nhưng còn thiếu. Ví dụ dữ liệu dân cư, cơ chế hợp tác chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác như fintech chưa rõ ràng, còn trong tình trạng khép kín, chưa thực sự mở.
Thứ ba, tỷ lệ giao dịch offline, giao dịch bằng tiền mặt còn cao, đặc biệt tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt ở nông thôn còn rất cao.
Thứ tư, nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông.
Và thứ 5 là cơ chế thí điểm sandbox cho việc thực hiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng sau nhiều lần lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ban, ngành nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, đây là một trong những cơ chế hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng.
Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý
Với việc chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trên, ông Hùng khuyến nghị các NHTM cần tiếp tục tập trung phát triển các dịch vụ ngân hàng tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ số, đẩy nhanh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện và nhanh chóng, và ngày càng thân thiện, dễ sử dụng hơn với khách hàng. Các NHTM cũng cần hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái đa tương tác để tăng chất lượng dịch vụ và sự lựa chọn cho khách hàng cũng như phát triển hoạt động kinh doanh.
"Thêm vào đó, cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng khách hàng. Với mô hình lấy khách hàng là trung tâm, ngân hàng cần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt dành cho từng nhóm khách hàng cụ thể. Việc tăng cường đào tạo, nâng cao chuyên môn trình độ và chất lượng dịch vụ là điều các NHTM cũng cần quan tâm", ông Hùng gợi ý.
Với cơ quan quản lý, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động của ngân hàng. Cần ban hành hướng dẫn, triển khai cơ chế thí điểm đối với các sản phẩm tài chính mới. Ngoài ra, phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất cho phép các NHTM được khai thác phục vụ cho quá trình cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho rằng, để thúc đẩy ngân hàng số phát triển mạnh mẽ, cần tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến dữ liệu định danh công dân quốc gia giúp xác thực và định danh khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần có một khuôn khổ pháp lý cởi mở cho phép các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay online, nhất là đối với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Về hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra giải pháp đồng bộ trong triển khai, thực hiện.
"3 điểm vướng này rất quan trọng, nếu gỡ được thì ứng dụng ngân hàng số của các NHTM cũng như các công ty Fintech và công ty viễn thông sẽ phát triển rất mạnh. Chính môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính giúp các bên ngày càng phát triển, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân được tốt hơn", ông Lân nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm