Kinh tế số

Doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần thời gian và sự quyết tâm

DNVN - Thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) được coi là kênh xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh nghiệp làm TMĐTXBG cần thời gian và sự quyết tâm.

Phát triển “chợ online”, Vissan Mart bắt tay hãng giao hàng nhanh Borzo / Công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực cho thương mại điện tử (TMĐT) của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động TMĐTXBG. TMĐTXBG đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Các kênh TMĐTXBG sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
TMĐTXBG được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, TMĐTXBG còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế.

Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐTXBG là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm TMĐTXBG cần thời gian và quyết tâm. Doanh nghiệp làm TMĐTXBG cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng TMĐT của nước sở tại.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức TMĐTXBG trên nền tảng TMĐT của Việt Nam – Voso Global.
"Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua TMĐTXBG", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá.
Phát huy những kết quả tích cực đó, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua TMĐTXBG theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.
Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức TMĐTXBG.
Ngày 30/11 tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tổ chức buổi Họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD”. Thông qua buổi họp báo, cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và phối hợp Cục TMĐT và KTS, với các đối tác để cùng triển khai.
"Với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành Trung ương, địa phương, chúng tôi hy vọng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả”, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm