Kinh tế số

Doanh nghiệp Việt "tăng tốc" ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đám mây để cạnh tranh

DNVN - Tại nhiều doanh nghiệp, hiện công nghệ không còn “bị” coi là một khoản chi phí, gánh nặng để triển khai hoạt động kinh doanh mà đã trở thành nguồn lực có khả năng mang lại những lợi thế kinh doanh. Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây sẽ giúp “tăng tốc” cạnh tranh.

Doanh nghiệp "đau đầu" tìm nhân lực thực chiến về thương mại điện tử / Đào tạo cử nhân thương mại điện tử cần gắn với xu thế chuyển đổi số

Trao đổi với báo giới ngày 20/9, bà Agnes Heftberger Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ, IBM ASEANZK cho biết nhiều đánh giá của hãng về Cloud (điện toán đám mây), AI (trí tuệ nhân tạo) trong thời gian gần đây cho thấy những tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Với việc các lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được khả năng chuyển đổi và tầm quan trọng của công nghệ trong hầu hết các bộ phận của một doanh nghiệp, thì công nghệ không còn chỉ được coi là một khoản chi phí để triển khai hoạt động kinh doanh. Ngày nay, công nghệ đã trở thành một nguồn lực có khả năng mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh cơ bản.

“Nếu như những năm trước các Tổng Giám đốc, giám đốc công nghệ thông tin doanh nghiệp thường coi đầu tư vào công nghệ thông tin là chi phí, thậm chí thường nghĩ đến chuyện phải cắt giảm. Tuy nhiên hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn. Đó không phải là chi phí mà là sự đầu tư cần thiết để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trở thành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp”, bà Agnes Heftberger nói.

Ngày 20/9, IBM khai trương văn phòng mới tại 29 Liễu Giai, Hà Nội.

Bà Agnes Heftberger cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp không nên chờ đợi nữa, cần đẩy mạnh ứng dụng AI, đám mây lai để tăng năng lực cạnh tranh.

Số liệu thống kê cho thấy, hơn một nửa tổng GDP được tạo ra trong tương lai sẽ bắt nguồn từ chuyển đổi số. Điều này là do vai trò quan trọng mà công nghệ có thể và cần phải nắm giữ trong tương lai, nếu chúng ta muốn giải quyết một số thách thức lâu dài nhất mà các doanh nghiệp, các chính phủ và xã hội hiện nay đang phải đối mặt.

Bà Agnes Heftberger.

“Chuyển đổi số là hành trình không có điểm cuối, doanh nghiệp liên tục đầu tư ứng dụng trông bối cảnh công nghệ cũng liên tục thay đổi”, bà Phạm Thị Thu Diệp - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ, IBM Việt Nam nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, ngân hàng Sacombank lựa chọn IBM LinuxONE để triển khai giải pháp hạ tầng hợp nhất cơ sở dữ liệu. Chỉ sau 6 tháng chuyển đổi hệ thống, ngân hàng đã ghi nhận những cải thiện đáng kể về thời gian xử lý cuối ngày của hệ thống corebanking, hiệu năng hoạt động của hệ thống, chi phí bản quyền phần mềm, thời gian xử lý giao dịch và giảm thiểu số lượng sự cố. Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư trong 6 năm khi triển khai IBM LinuxONE giúp ngân hàng tiết kiệm hơn 500.000 USD so với các phương án triển khai khác.

Bà Phạm Thị Thu Diệp.

Cùng đó, Tập đoàn VNPT triển khai giải pháp IBM Data Lake giúp sử dụng dữ liệu giữa các bộ phận, phòng ban khác nhau một cách an toàn, tự động và đảm bảo tính tuân thủ. Một giải pháp tổng thể cho hạ tầng lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu, thực thi tập trung các chính sách vận hành, chia sẻ và sử dụng dữ liệu viễn thông, CNTT sẽ giúp VNPT có thể cung cấp dữ liệu có chất lượng một cách hiệu quả và thông minh.

Hiện nay trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (UMT) hợp tác với IBM Việt Nam để cung cấp các nguồn lực cho giáo dục và nghề nghiệp đến các sinh viên, nhân viên và các thành viên trong cộng đồng. Sinh viên của UMT được tiếp cận các với công nghệ mới nhất của IBM, thông qua việc học trực tuyến và làm việc từ xa trên nền tảng của IBM SkillsBuild. Sinh viên sẽ được IBM cấp chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học, điều này được công nhận bởi các công ty CNTT và các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới.

Phan Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm