Kinh tế số

Fintech "bùng nổ" đang tạo thách thức lớn trong chính sách quản lý hệ sinh thái tài chính

DNVN - Sự gia tăng nhanh chóng của Fintech đang tạo thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, và các tổ chức quản lý, giám sát dịch vụ tài chính. Các cơ quan quản lý có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường pháp lý và sự ổn định tài chính gây ra bởi hệ sinh thái mới.

Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm Fintech / Ngân hàng ảo, Fintech sẽ là đối thủ nặng ký khi số hóa ngân hàng

Vốn đầu tư vào Fintech tại Việt Nam tăng 4 lần trong 3 năm
Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hệ sinh thái tài chính số phát triển nhanh chóng trên toàn cầu trong những năm gần đây nhờ vào giá trị đầu tư lớn đổ vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Trên toàn thế giới, tổng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) là 105 tỷ USD vào năm 2020, đầu tư mạo hiểm vào Fintech trên toàn cầu đã tăng so với cùng kỳ năm trước - từ 40 tỷ USD qua 2.834 thương vụ lên hơn 42 tỷ USD đầu tư trên 2.375 thương vụ.
Tại Việt Nam, các công ty Fintech bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 2015 và nhanh chóng phát triển. Số lượng các công ty Fintech đã tăng nhanh từ 40 công ty vào năm 2017, đã lên gần 4 lần và đạt 123 công ty vào cuối năm 2020, chỉ đứng sau Singapore, Indonesia và Malaysia trong khu vực ASEAN.
Năm 2019, giá trị giao dịch của các công ty Fintech tại Việt Nam khoảng 8,7 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2017.
Các công ty Fintech đang nhanh chóng phát triển.

Hiện nay, các công ty Fintech hoạt động chủ yếu tập trung ở 3 dịch vụ là thanh toán (MoMo, 123Pay, VinaPay, Onepay,…), cho vay ngang hàng (P2P) (BankGo) và huy động vốn cộng đồng (FundStart, Comicola, Betado, Firststep,…).
Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, các định chế tài chính truyền thống và các công ty Fintech có xu hướng gia tăng hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cung cấp sản phẩm mới khác biệt, giữ chân khách hàng tốt hơn và tăng doanh thu.
Vào thời điểm năm 2014-2015 chỉ có khoảng 29% công ty Fintech muốn hợp tác với ngân hàng thì đến thời điểm hiện tại, số lượng thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech không chỉ tăng vượt về số lượng mà còn cả về quy mô hợp tác.
Tuy nhiên, sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Fintech với Chính phủ, tổ chức tài chính còn chưa chặt chẽ so với yêu cầu đặt ra.
Việt Nam đang thiếu thể chế quản lý Fintech

Theo chuyên gia Lưu Ánh Nguyệt, dù số lượng công ty Fintech khá nhiều nhưng các công ty này chưa tạo ra sự khác biệt nào trên thị trường. Công nghệ quản lý (RegTech) được cung ứng bởi các công ty Fintech hỗ trợ khách hàng bằng việc sử dụng quy trình tuân thủ, giải quyết các vấn đề rủi ro liên quan tới pháp luật, quy định và quy trình, ngăn chặn rủi ro rửa tiền và hỗ trợ khách hàng thiết lập quy trình định danh khách hàng (know-your-customer).
Quản lý tài sản (Wealth management) được cung ứng bởi các công ty Fintech cũng chỉ sử dụng cho lời khuyên tự động (robo-advisors), nền tảng đầu tư và quản lý danh mục tài chính dựa trên sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Fintech đang tạo thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, và các tổ chức quản lý, giám sát dịch vụ tài chính.
Chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách khuyến cáo: Các cơ quan quản lý có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường pháp lý và sự ổn định tài chính gây ra bởi hệ sinh thái mới.
Fintech đang tạo thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, và các tổ chức quản lý, giám sát.
“Hiện nay tồn tại khoảng cách lớn giữa trình độ phát triển của Fintech và các quy định, chính sách tài chính hiện hành tại Việt Nam. Trong khi các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý, quy định để đảm bảo an toàn hệ thống thì các quy định an toàn và pháp luật đối với Fintech còn chưa có. Việc ban hành các quy định luật pháp đối với Fintech nếu không được xem xét phù hợp có nguy cơ tạo ra một sân chơi không công bằng giữa Fintech và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, các công ty công nghệ lớn hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính như Viettel, FPT,…cũng đã tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính. Một trong những lợi thế chính của các tổ chức tài chính truyền thống là niềm tin mà họ đã tạo dựng được với khách hàng. Tuy nhiên, những công ty công nghệ này cũng có nền tảng khách hàng rộng lớn và lòng trung thành với thương hiệu có thể giúp thúc đẩy việc tham gia vào thị trường mới. Các công ty công nghệ này đang sử dụng thông tin của khách hàng và các nền tảng hiện có của họ để cung cấp các dịch vụ hấp dẫn và có chi phí cạnh tranh. Phạm vi dịch vụ mà họ cung cấp có thể phát triển theo thời gian.
Một thách thức khác là tính chất toàn cầu và không biên giới của Fintech đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nâng cao sự hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin về việc quản lý, giám sát các loại dịch vụ xuyên quốc gia như tài sản mã hóa.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định cụ thể về thể chế quản lý cũng như chức năng nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với lĩnh vực Fintech.
Đồng thời, chưa có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý hoạt động Fintech có tính chất đan xen, kết hợp lẫn nhau và chưa có quy định nào về cơ cấu tổ chức của bộ phận chuyên trách có chức năng tham mưu các cấp lãnh đạo trong công tác quản lý, giám sát hoạt động này.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo